Ngày 19/2/2014, một thương vụ lớn nhất trong lịch sử phát triển của OTT, một sự ngỡ ngàng đối với ngành công nghiệp công nghệ thông tin thế giới đồng thời cũng là thỏa thuận Internet lớn nhất từ trước đến nay đã được tiến hành. Facebook chính thức mua lại với giá 19 tỷ USD, trong đó bao gồm 4 tỷ tiền mặt, 12 tỷ chi trả cho cổ phiếu và 3 tỷ dành cho team phát triển sau khi thương vụ hoàn thành dưới dạng cổ phiếu cho WhatsApp kèm với đó là 42 USD cho mỗi một người dùng ứng dụng này. Và kể từ tháng 2 cho đến nay, WhatsApp đón nhận thêm 50 triệu thuê bao mới, nâng tổng số người tham gia tương tác lên 500 triệu, bởi thế giá trị của hợp đồng này đạt đến con số 21,8 tỷ USD, một cái giá quá cao cho WhatsApp. Vậy tại sao Facebook lại chấp nhận bỏ ra một số tiền lớn như vậy chỉ để sở hữu một ứng dụng OTT như WhatsApp ?
Mở rộng chính mình và lôi kéo nhân tài
Mọi sự thay đổi và mở rộng đều được đánh giá cao đồng thời sự bảo thủ sẽ là chất xúc tác quan trọng dẫn đến một sự sụp đổ không hề ngờ tới. Facebook cũng vậy, nếu không chịu đổi mới, họ sẽ nhanh chóng bị lụi tàn và sự thất bại là điều không thể tránh khỏi. Ngay chính bản thân Mark Zuckerberg cũng đã có cho riêng mình một minh chứng rõ rệt, đó là MySpace. MySpace với cộng đồng hơn 200 triệu người sử dụng thời internet còn đang phát triển có lẽ không bao giờ nghĩ rằng họ sẽ phải thua cuộc trước một sản phẩm đến từ một nhóm sinh viên, trong đó Mark là người đứng đầu. Chính Facebook đã hạ bệ một cánh chim đại bàng đang phủ rộng toàn thế giới, họ hiểu rằng MySpace thất bại bởi sự bảo thủ, không thay đổi chính mình và sự lộn xộn trong chiến dịch kinh doanh. Để rồi cuối cùng chấm dứt quãng đời của mình khi ca sĩ Justin Timberlake mua lại với giá chỉ 35 triệu USD.
MySpace là một trang mạng xã hội nổi tiếng, cung cấp một mạng lưới thông tin tương tức giữa người dùng với bạn bè của họ, cho phép người dùng tạo những hồ sơ cá nhân, viết blog, lập nhóm, tải hình ảnh lên, lưu trữ nhạc và video cho giới trẻ cũng như người lớn trên khắp thế giới.
Bài học quá lớn, khiến Facebook không thể chủ quan cho dù con số người dùng của họ gấp 7 lần MySpace lúc còn thịnh vượng, một con số đủ để chứng minh sự vững mạnh dài hạn. Facebook bắt đầu mở rộng, và công việc đầu tiên là phát triển ứng dụng OTT để tạo lập một sự tương tác lớn hơn thông qua thiết bị di động đang cực kỳ phát triển trên toàn thế giới. Facebook cũng đã có Messenger cho riêng mình, tuy nhiên những phàn nàn về tốc độ chậm chạp, khả năng update tin nhắn lỗi… Song song với đó là sự thất bại của Facebook Home trên Mobile và sự thống trị của Twitter đã khiến Mark phải để tâm đến việc phát triển trên nền tảng di động . Và rồi, để mở rộng thêm tầm ảnh hưởng cũng như lôi kéo nhân tài trên thế giới về phía mình, Facebook đã dòm ngó đến WhatsApp, ứng dụng đang dẫn đầu thị trường OTT trên toàn thế giới với 450 triệu người dùng cùng với đội ngũ nhân tài thuộc dạng “cứng” theo nhận xét của nhiều chuyên gia phân tích công nghệ trên toàn thế giới.
Hạ bệ Google và bảo vệ chính mình
Trong suốt hai năm với ba cuộc đàm phán, Facebook đã nhận ra rằng có một gã khổng lồ đang tiếp cận với WhatsApp nhằm hẫng tay trên của họ, đó chính là Google – kẻ ngáng đường cũng như đối thủ lớn nhất có tầm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của mạng xã hội này.
Sự kết hợp mang tính chiến lược của Facebook
Sau khi được Facebook mua lại, người đại diện của WhatsApp đã cho biết họ đã nhận được một đề nghị bất thường từ Google và họ đã ngay lập tức từ chối. Cụ thể Google đã nhắm tới WhatsApp như là một mục tiêu chiến lược trong việc thâu tóm các ứng dụng nhắn tin trên thiết bị di động để biến chúng trở thành độc quyền trên Android và các sản phẩm của hãng. 10 tỷ USD đã đặt lên bàn đàm phán cùng với một ghế trong hội đồng quản trị của Google dành cho Jan Koum – CEO của WhatsApp tuy nhiên những gì mà Google nhận được chỉ là một lời từ chối thẳng thừng.
Cho đến tận bây giờ Google mới hiểu tại sao, mà WhatsApp từ chối mình, đó là bởi vì con số 19 tỷ USD mà Facebook bỏ ra cùng với đó là một tương lai tốt hơn khi họ sẽ tự do phát triển mà không bị gò ép bởi các điều kiện ràng buộc. Bên cạnh đó, một lý do nữa là Brain Acton, một thành viên thuộc đội ngũ của WhatsApp, một người có công rất lớn với sự vững mạnh của ứng dụng OTT này đã từng có ý định sáp nhập vào Facebook từ năm 2009, nhưng lúc đó mạng xã hội này cảm thấy không đủ tiềm lực gánh thêm một bộ phận mới được thành lập. Và tất nhiên, WhatsApp vẫn ưu tiên Facebook hơn.
Hạ bệ Google
Trở lại với Facebook, chắc hẳn họ đã rất vui mừng khi WhatsApp không đi theo tiếng gọi của Gã khổng lồ tìm kiếm và thật may mắn khi thỏa thuận mất trắng 2 tỷ USD khi hợp đồng bị hủy đã không xảy ra. Với 19 tỷ USD bỏ ra từ đầu, Mark Zuckerberg tuyên bố đây thực sự là món hời tại MWC đầu năm nay.
Lợi ích từ việc quảng cáo
Như những bài phân tích trước đây, Techz đã từng đề cập và phân tích việc Facebook triển khai một mạng lưới quảng cáo mới có tên gọi Facebook Audience Network. Đây là một mạng lưới thực sự rất thông minh và dựa trên thông tin người dùng, những nhu cầu người dùng được thu thập một cách chuẩn xác và lựa chọn banner phù hợp để giảm thiểu sự phiền toái. WhatsApp chắc chắn sẽ được áp dụng điều này nhưng dưới hình thức chuyển đổi quảng cáo chứ không trực tiếp đặt banner. Lợi thế của WhatsApp là lượng người sử dụng hàng ngày đạt tỷ lệ 72% tổng số người dùng. Mỗi ngày có hơn 19 tỷ tin nhắn, 600 triệu bức hình và 100 triệu tin nhắn video được gửi mỗi ngày. Điều này sẽ làm tăng tính tương tác của Facebook đối với khách hàng của ứng dụng OTT này.
Facebook có thể kết hợp với Whatsapp để tạo ra những hình thức quảng cáo mới. Theo như nguồn tin công bố gần đây thì Whatsapp sẽ hoạt động độc lập. Khả năng Facebook bán quảng cáo trong tương lai trên Whatsapp là rất thấp vì đó là một trong những giá trị cốt lõi của nhà sáng lập và là lý do giữ chân người sử dụng trên Whatsapp trong thời đại bùng nổ OTT. Facebook có thể dùng Whatsapp để tăng tỷ lệ chuyển đổi quảng cáo bằng cách thêm chức năng định vị vị trí của người dùng. Từ những thông tin đó, Facebook có thể chọn ra quảng cáo nào phù hợp với người dùng nhất để chạy quảng cáo.
FAN cần thêm dữ liệu khổng lồ từ WhatsApp
Như vậy lợi ích trước mắt Facebook đạt được đó là việc nắm bắt được nhu cầu của hơn 1,4 tỷ người dùng của mình thêm vào đó là một lượng lớn người dùng WhatsApp. Từ đó họ sẽ có một mạng lưới quảng cáo vô cùng thông minh và một dữ liệu không lồ để cung cấp cho các đối tác, điều này mang đến lợi thế lớn hơn trong việc cạnh tranh với Google và cuối cùng là lợi nhuận sẽ nhanh chóng đổ về cho Facebook.
Việc bỏ ra tổng cộng 21,8 tỷ USD cho một ứng dụng OTT là điều bất ngờ đối với giới công nghệ và các chuyên gia phân tích thị trường. Nhiều nhận định cho rằng Facebook đã quá liều lĩnh khi đặt cược một khoản tiền lớn đến như vậy để sở hữu WhatsApp. Song, mọi thứ không phải là không có lý do khi Mạng xã hội lớn nhất thế giới đưa vào sử dụng mạng lưới quảng cáo thông minh mới và nguồn lợi trước mắt đã được hoạch định cụ thể. Mark Zuckerberg đang rất tự tin nhưng sẽ còn rất nhiều điều cần nói và thời gian sẽ là câu trả lời thỏa đáng nhất cho canh bạc này.
Facebook Audience Network : Khi Facebook cũng quảng cáo
(Techz.vn) Đa phần người dùng rất ức chế với các tấm banner quảng cáo tự nhiên hiện ra trước mắt tuy nhiên với Facebook Audience Network (FAN), người dùng sẽ được đón nhận một mạng quảng cáo thông minh hơn và ít phiền toái hơn. Song, vẫn còn đó những sự ức chế và lo ngại từ phía người dùng ứng dụng di động.