Sharp – một hãng điện từ Nhật Bản vốn không nổi tiếng với các dòng smartphone, song, công nghệ màn hình Aquos của hãng là một trong những thành tựu tuyệt vời nhất của thế giới. Dòng smartphone Aquos của Sharp đã không thực sự gây được tiếng vang đối với người tiêu dùng toàn cầu cũng một phần bởi hãng chỉ chú trọng đến việc phân phối trong nước và cấu hình, tính năng không thực sự nổi trội. Tuy nhiên, với sự góp mặt của “viên pha lê” Aquos Crystal, Sharp đã thu hút mọi sự quan tâm về phía mình.
Với Aquos Crystal, Sharp đã thu hút sự quan tâm của giới công nghệ. Ảnh : Android Authority.
Aquos Crystal là chiếc smartphone đầu tiên sở hữu màn hình có viền bezel cực mỏng và được coi là không cóoacute; viền. Điểm đặc biệt là mức giá của chiếc điện thoại này chỉ khoảng trên dưới 5 triệu đồng ở hai thị trường được cung ứng là Mỹ và Nhật Bản. Dưới đây là một số đánh giá chi tiết về chiếc điện thoại này.
Thiết kế
Như đã nhắc đến ở trên, Sharp không thực sự nổi trội trên thị trường smartphone trên toàn thế giới, song, với sự xuất hiện của Aquos Crystal, hãng đã cho thấy những sự nỗ lực tập trung vào mảng điện thoại thông minh cũng như khiến cho khách hàng chú ý nhiều hơn đến sản phẩm của hãng.
Từ năm 2012 cho đến nay, thế giới đã chứng kiến một cuộc đua smartphone đầy sức mạnh đồng thời viền màn hình cũng ngày càng được làm mỏng đi đáng kể. Những cái tên xuất sắc phải kể đến như LG G2, LG G3, Samsung Galaxy S4, Samsung Galaxy S5, Galaxy Note 3, Pantech Vega Iron, iPhone 6, iPhone 6 Plus…, tất cả đều sở hữu viền màn hình siêu mỏng. Tuy nhiên, những cái tên cao cấp đều phải ngã mũ trước một thiết bị đến từ phân khúc tầm trung, đó là Aquos Crystal.
Mặt trước của thiết bị được chiếm trọn toàn bộ bởi màn hình 5 inch độ phân giải HD, viền bezel được làm rất mỏng ở hai cạnh bên và phần phía trên. Nếu được trực tiếp trải nghiệm, bạn có thể thấy những hình ảnh hiển thị trên màn hình tạo cảm giác nổi hơn và tràn ra phía rìa thân máy bởi tấm nền được ốp sát vào mặt kính cảm ứng. Do tất cả phần trên của Crystal đều dành cho màn hình nên các cảm biến, camera trước đều được đặt ở phía dưới và khiến phần này dày hơn đáng kể, nhưng bù lại ta lại có một phần kê tay rất thoải mái khi sử dụng.
Nhiều người thắc mắc rằng, với màn hình như vậy, loa thoại của Aquos Crystal được đặt ở đâu? Điều này nằm tại công nghệ của nhà sản xuất. Sharp đã trang bị cho thiết bị của mình một máy thu sóng kỹ thuật số làm rung toàn bộ màn hình, chuyển đổi các rung động thành âm thanh. Trong thực tế sử dụng, công nghệ này hoạt động khá hoàn hảo và cho chất lượng thoại rất tốt. Dưới đây là một số hình ảnh tổng quan về thiết kế của chiếc điện thoại này.
Cạnh trái bao gồm hai phím cứng là phím tăng giảm âm lượng. Ảnh : Android Authority
Phía trên là phím nguồn và jack cắm tai nghe 3.5mm. Ảnh : Android Authority
Camera 8MP cùng đèn flash được đặt ở phía sau. Ảnh : Android Authority
Giải loa ngoài khá gọn gàng ở phần nắp lưng. Ảnh : Android Authority
Phần dưới màn hình trở nên dày hơn bởi bộ phận cảm biến cùng camera phụ đều được đặt ở phần này. Ảnh : Android Authority.
Màn hình
Chỉ thuộc phân khúc tầm trung nên Aquos Crystal chỉ được trang bị màn hình 5 inch với độ phân giải khiêm tốn là 720p, mật độ điểm ảnh 294 ppi. Thực tế sử dụng cho thấy khả năng hiển thị của chiếc điện thoại này khá rực rỡ (một điểm chung của các sản phẩm đến từ Sharp). Màu sắc hài hòa, độ bão hòa cũng như độ tương phản khá tốt.
Màn hình của Sharp nổi bật với độ bão hòa, độ tương phản rất tốt. Ảnh : Android Authority
Do không được trang bị tấm nền IPS ( sở hữu công nghệ TFT 16 triệu màu) nền Aquos Crystal không có góc nhìn thực sự rộng, màu sắc dễ bị biến đổi khi thay đổi góc nhìn lớn, màu trắng chuyển dần về hồng nhạt và màu xanh bị bệt. Tuy nhiên với viền bezel siêu mỏng, việc xem video hoặc chơi game trên chiếc smartphone này là một trải nghiệm cực kỳ thú vị
Hiệu năng
Xét về hiệu năng, người dùng có một thông số kỹ thuật ở mức tầm trung giống như các smartphone hiện hành như Moto G, Lumia 730… bao gồm : vi xử lý 4 nhân Qualcomm Snapdragon 400 xung nhịp 1.2 GHz, RAM 1.5 GB và 8GB dung lượng bộ nhớ trong, các tác vụ đồ họa được hỗ trợ bởi Adreno 305. Ngoài ra, máy hỗ trợ thêm khe cắm thẻ nhớ micro SD dung lương lên tới 128 GB.
Đối với các tác vụ cơ bản như di chuyển, đóng mở các ứng dụng, nhắn tin, duyệt web, máy hoạt động rất tốt. Tuy nhiên, nếu chơi game hoặc sử dụng đa nhiệm với nhiều ứng dụng khác nhau, Aquos Crystal hoàn toàn không thể đáp ứng được, máy sử dụng chậm, lag và phản hổi rất kém. Có lẽ, để trải nghiệm tốt hơn, chúng ta nên chờ sự ra mắt của Crystal X, một chiếc điện thoại cao cấp có cấu hình thuộc hàng khủng hiện nay. Song, nếu bạn là người thích sự đặc biệt cùng một giá thành hợp lý, Crystal vẫn là sản phẩm hoàn toàn đáp ứng được điều này.
Thời lượng sử dụng pin
Pin dung lượng thấp là nhược điểm của máy. Ảnh : Android Authority
Sharp đã có phần hới “ki bo” khi chỉ trang bị cho sản phẩm của mình một dung lượng pin khá khiêm tốn, 2040 mAh. Thật khó có thể sử dụng Crystal cho hết ngày với dung lượng pin như trên. Trong bài thử nghiệm khi để độ sáng màn hình cao nhất cùng với sử dụng Wi-Fi duyệt web liên tục, máy chỉ cho thời lượng vỏn vẹn có 3h đồng hồ. Một sự thất vọng rất lớn dành cho Sharp!
Camera
Sharp Aquos Crystal sở hữu một camera sau 8 MP cho chất lượng ảnh chụp rất tệ, cũng một phần bởi Sharp chưa bao giờ được đánh giá cao trong lĩnh vực sản xuất camera cho smartphone. Chất lượng ảnh cho ra màu khá nhợt nhạt, độ chi tiết không cao và có tỉ lệ nhiều rất lớn. Ngay cả trong điều kiện ánh sáng rất tốt, hình ảnh cho ra màu “xỉn” và cảm giác có một lớp sương mờ mờ che phủ cả tấm ảnh. Khi thử sang chế độ HDR, mọi thứ thậm chí còn tệ hơn so với mặc định, ảnh bị nhòe màu và mất đi độ tương phản.
Camera 8MP cho chất lượng ảnh rất tệ. Ảnh : Android Authority
Về ứng dụng, giao diện điều khiển khá đơn gian với menu cài đặt tích hợp nhiều tùy chỉnh khác nhau bao gồm chụp Panorama, HDR và một loạt các chế độ chụp ảnh khác nhau, các bộ lọc màu đặc biệt. Một số ảnh chụp từ Aquos Crystal :
Phần mềm
Aquos Crystal sử dụng hệ điều hành Android 4.4.2 với giao diện gần như nguyên góc, nếu bạn từng sử dụng MX Laucher với Profile Android 4.0 chắc chắn bạn sẽ bị nhầm lẫn. Sharp đã không tùy biến quá nhiều và thêm vào đó là các ứng dụng mà hãng cung cấp đi kèm. Những tính năng cơ bản vẫn được giữ nguyên, người dùng có thể đăng nhập, đồng bộ và sử dụng bình thường. Một điểm lưu ý đó là các smartphone đến từ Nhật đều có phần mặc định nhận sóng 4G-LTE, vì thể để sử dụng sản phẩm này, trước tiên, bạn phải chuyển qua chế độ nhận sóng WCDMA/HSPA/ GSM cho dù thiết bị đã được Unlock.
Giao diện hầu như được giữ nguyên và không có nhiều tùy biến. Ảnh : Android Authority
Về ứng dụng, Sharp tích hợp công nghệ âm thanh Harman Kardon’s Clari-Fi, song, tính năng này không hoạt động được với loa ngoài mà chỉ có tác dụng khi cắm tai nghe hoặc các thiết bị Bluetooth (điều này giống như công nghệ Beats Audio trên điện thoại HTC trước đây). Một tính năng khác được gọi là “Clip Now” cho phép chụp ảnh màn hình bằng cách lướt ngang ở phía trên cùng của màn hình thay vì sử dụng phím cứng (tương tự như chụp màn hình của Samsung khi dùng một diện tích tiếp xúc lớn vuốt từ phải sang trái). Ngoài ra còn có các tính năng như “Frame Effect” cho phép màn hình hay đèn flash nhấp nháu khi có thông báo hay khi cắm sạc.
Kết luận
Sharp Aquos Crystal là một sản phẩm mang tính đột phá về công nghệ viền bezel hơn là việc nâng cao trải nghiệm người dùng cho một smartphone tầm trung. Các tính năng bao gồm camera, thời lượng pin, ứng dụng đều chưa thực sự được chau chuốt và còn rất nhiều nhược điểm, song, với mực giá chỉ 5 triệu đồng, đây là một sản phẩm rất đáng để sở hữu.