Tư vấn

7 thói quen xấu làm hại đến các thiết bị công nghệ

7 thói quen xấu làm hại đến các thiết bị công nghệ

Không bao giờ tắt máy, ngắt kết nối USB không đúng cách hay không bao giờ lau chùi và vệ sinh các sản phẩm điện tử sẽ góp phần làm tăng nguy cơ gặp rủi ro và giảm tuổi thọ cho các thiết bị của bạn.

Nhiều người tiêu dùng luôn dành sự nâng niu trân trọng cho các thiết bị điện tử của bản thân. Tuy nhiên, cũng có nhiều người, việc để ý và chăm sóc các thiết bị đó dường như là một khái niệm cực kỳ xa xỉ đối với họ. Rõ ràng so với việc bỏ bẵng thì giữ gìn đồ dùng cá nhân là một việc nên làm, nhưng nếu không biết cách bảo quản và sử dụng đúng cách, các thiết bị công nghệ của bạn vẫn sẽ không tránh khỏi nguy cơ gặp rủi ro và “từ trần” sớm hơn dự kiến. Và dưới đây là một vài hành động, thói quen góp phần không nhỏ vào việc đánh gục chiếc điện thoại hoặc máy tính của bạn.

1. Sử dụng laptop trên đệm, thảm và bề mặt bằng da

thoi-quen-xau

Nếu laptop của bạn không được làm mát hoặc các khe tản nhiệt bị bít kín khi hoạt động trong thời gian dài nó sẽ bị nóng. Do vậy, bạn không nên đặt trùm chăn và xem phim trên laptop cả ngày. Laptop bị quá nóng sẽ bị giảm tuổi thọ pin, hỏng hóc nghiêm trọng, hoặc thậm chí phát nổ gây nguy hiểm tới tính mạng và tài sản của bạn. Trong ảnh minh họa ở trên là một chiếc laptop đã phát nổ do quá nóng và gây cháy phòng ngủ của người người dùng.

2. Mang các thiết bị điện tử theo mà không bọc chúng trong vỏ bảo vệ

Nếu bạn mang theo tablet, laptop và các thiết bị điện tử khác theo mà không bọc chúng trong túi bảo vệ hoặc túi chống sốc thì các thiết bị này rất dễ bị vỡ màn hình, móp góc nếu bị va chạm hoặc rơi. Bạn nên đặt các thiết bị điện tử trong một túi xách chuyên dụng, túi chống sốc hoặc ốp/vỏ bảo vệ để hạn chế những thiệt hại nếu xảy ra va chạm trong quá trình sử dụng hàng ngày. Bạn cũng không nên cầm, nắm màn hình laptop để di chuyển nó.

3. Bảo quản, sử dụng dây sạc không đúng cách

sac-khong-dung-cach

Dây sạc, đặc biệt là những sản phẩm được sản xuất bởi những công ty công nghệ cao, cực kỳ nhạy cảm và rất dễ bị đứt ngầm. Bạn đừng quấn dây sạc quá chặt và đừng giật chúng quá mạnh ra khỏi ổ cắm.

Những quy định này cũng được áp dụng với tai nghe. Bạn không nên quấn dây tai nghe quá chặt quanh iPod. Nếu bạn làm như vậy trong khi kết nối tai nghe với iPod, áp lực sẽ làm hỏng dây tai nghe.

4. Không bao giờ tắt máy

Nhiều người trong số chúng ta có thói quen để laptop hoạt động liên tục hoặc thường không tắt máy hoàn toàn mà chỉ chuyển nó sang chế độ ngủ.

Để cải thiện tuổi thọ pin trên laptop của bạn, bạn nên tuân thủ theo chế độ năng lượng định kỳ của nó. Bạn nên xả sạch pin laptop bằng mọi cách và sau đó sạc đầy pin trong khi tắt máy mỗi tháng vài lần.

5. Sử dụng sản phẩm vệ sinh gia đình cho thiết bị điện tử

Sử dụng những sản phẩm vệ sinh gia đình như nước lau kính Windex cho thiết bị điện tử là một ý tưởng tồi, các hóa chất có trong Windex sẽ ăn mòn lớp phủ bảo vệ trên màn hình thiết bị điện tử của bạn.

6. Ngắt kết nối ổ đĩa USB không đúng cách

Ổ đĩa cứng kết nối qua cổng USB và USB cần phải được ngắt kết nối, Eject, hoàn toàn khỏi máy tính trước khi bạn rút chúng ra khỏi cổng kết nối. Đặc biệt là với các ổ đĩa cứng, nếu ổ đĩa vẫn còn quay khi bạn rút nó ra khỏi cổng kết nối bạn có thể sẽ bị mất dữ liệu hoặc hỏng hóc dữ liệu.

7. Không bao giờ sao lưu dữ liệu

Sao lưu dữ liệu là công việc mà bạn cần làm ngay lập tức, bởi vì bạn không thể dự đoán trước thời điểm phát sinh những vấn đề nghiêm trọng. Thường xuyên sao lưu dữ liệu vào một ổ đĩa cứng hoặc lên kho dữ liệu điện toán đám mây sẽ giúp bạn tránh phải đau đầu trong tương lai.

Đọc thêm: Những thói quen chết người khi dùng điện thoại

Mạnh Hưng