Không có những sản phẩm mới và đột phá, chứng kiến sự rút lui của một vài tên tuổi lớn, thị trường máy tính bảng (hay còn gọi là tablet) dù chưa thụt lùi nhưng đang có những dấu hiện chững lại một cách khủng khiếp. Sự khủng khiếp này được thể hiện chính qua các con số dự báo mà IDC đưa ra.
Năm 2013, thị trường máy tính bảng có sự tăng trưởng đáng kinh ngạc, tới hơn 50%, nhưng đến 2014, IDC qua phân tích chỉ dám đưa ra con số dự đoán là 12%. Chưa dừng lại ở đó, đến nay, tổ chức này phải cắt giảm con số tăng trưởng tới gần một nửa. Sự phát triển của dòng sản phẩm này dự tính chỉ còn vẻn vẹn 6,5%; 2 thị trường tiêu thụ lớn nhất là Mỹ và châu Âu dự kiến sẽ gần như không tăng trưởng nữa.
Ra đời vào năm 2010 (iPad đầu tiên của Apple), vậy nhưng chỉ 4 năm sau đó đã chững lại và gần như không phát triển, điều đó cho thấy phần nào sự sáo rỗng trong cách quản lý của ngành hàng này, dù mức độ tăng trưởng rất nhanh, nhưng không bền vững. Các sản phẩm ra đời một cách ồ ạt, công nghệ cải tiến hàng ngày, thế hệ sau “đè” lên thế hệ trước khiến chúng bị “lão hóa” sớm và người ta dần “sợ hãi” với việc trang bị cho mình một chiếc máy tính bảng hiện đại, đắt tiền, nhưng chỉ mấy tháng sau, nó đã bị khai tử hoặc trở nên quá lạc hậu so với đàn em.
Đó là những nguyên nhân trực tiếp, ngoài ra, còn một nguyên nhân gián tiếp khác cũng cần được nhắc tới, đó chính là sự lớn mạnh của một thế lực đặc biệt khác. Phablet. Dòng sản phẩm lai giữa smartphone và tablet, được quy ước là những chiếc máy có kích thước màn hình trong khoảng 5,5 đến 7-inch.
Smartphone với mỗi người giờ là một thứ gần như không thể thiếu, nhưng màn hình chỉ khoảng 5-inch khiến nhiều trải nghiệm như xem phim, chơi game hay làm việc không thực sự được hoàn hảo, trong khi tablet với màn hình lớn, kích thước đồ sộ nhưng lại là một thứ “không có thì thiếu, có thì thừa”. Bạn chẳng thể lúc nào cũng mang tới 2 chiếc máy bên người, một smartphone và một tablet có kích thước tới 8 hay 10-inch, chưa kể đến việc nhiều sản phẩm còn bị cắt giảm kết nối 3G nhằm giữ chi phí thấp.
Sự ra đời của Phablet ban đầu là nhằm lấp đầy khoảng trống giữa smartphone và tablet, nhưng càng ngày nó càng thể hiện được sức mạnh của mình, mà ưu điểm lớn nhất có lẽ là “cái gì cũng vừa đủ”. Chẳng vậy mà giờ đây, gần như hãng nào cũng có những sản phẩm phablet riêng của riêng mình, Samsung mở màn với dòng Galaxy Note, LG có G Pro, HTC có One Max, Sony có Z Ultra,… Đến mức “kẻ bảo thủ” Apple cũng được cho là sắp giới thiệu chiếc iPhone có kích thước của phablet với màn hình 5,5 inch, những thông tin rầm rộ về chiếc máy đó thậm chí đã khiến người ta chẳng còn quan tâm đến iPad mới của Apple sẽ trông như thế nào, hay có tên gọi ra sao,…
Có thể iPad hay các máy tính bảng giá rẻ khác vẫn có chỗ đứng riêng, có thể là trong lĩnh vực giáo dục (như ở Việt Nam) hoặc thị trường doanh nghiệp, nhưng không thể phủ nhận phablet đang xâm chiếm mạnh mẽ lãnh thổ của cả smartphone và tablet, rất có thể đây sẽ chính là tương lai của các thiết bị di động trong vài năm tới, trước khi nó thoái trào hay bị thay thế bởi một dòng sản phẩm khác, có thể sắp ra đời.
Đọc thêm: Những so sánh bất ngờ về doanh thu của iPhone, iPad
Lưu Quý