Video so sánh khả năng quay video thiếu sáng của Sony A7II, Sony A7s và Nikon D810.
Chiếc máy ảnh mirrorless nhỏ gọn Sony A7s ngay từ khi ra đời đã được Sony ví von như là một con quái vật trong việc chụp ảnh thiếu sáng. Để quảng bá tính năng này, họ từng thực hiện một bộ phim được quay bằng Sony A7s, với nguồn sáng duy nhất là ánh trăng.
Đoạn phim quay bằng Sony A7s, sử dụng nguồn sáng duy nhất là ánh trăng.
Về mặt lý thuyết, để có thể ghi hình ở điều kiện thiếu sáng, máy ảnh, máy quay sẽ đẩy ISO (độ nhạy sáng) lên cao nhất có thể. Tuy nhiên hậu quả của việc này là bức ảnh và đoạn phim đó sẽ bị nhiễu hạt (noise). ISO càng cao, nhiễu hạt sẽ càng nặng.
Chính vì vậy, việc đánh giá khả năng quay đêm của một chiếc máy ảnh cũng chính là đánh giá khả năng khử nhiễu của chiếc máy đó.
Để đánh giá khả năng khử nhiễu của Sony A7s, nhiếp ảnh gia Tony Northrup đã so sánh chiếc máy này với 2 sản phẩm đình đám khác là với Nikon D810 và Sony A7 II.
3 sản phẩm quay một đoạn phim trong điều kiện thiếu sáng nặng, buộc họ phải đẩy ISO lên mức 409.600 (thông thường ISO hơn 1000 là đã xảy ra hiện tượng nhiễu hạt có thể nhìn thấy).
Theo kết quả từ đoạn video, có thể thấy trong khi Nikon D810 và A7II bị nhiễu nặng tới mức không thể xem được thì Sony A7s vẫn cho hình ảnh sáng và tương đối chi tiết. Họ cũng đã thử so sánh chiếc máy này với 2 đại diện khác là Panasonic Lumix GH4 và Samsung NX1, tất nhiên A7s vẫn cho ra kết quả vượt trội.
Lumix GH4, Samsung NX1 và Sony A7s ở ISO 102.000.
Theo các chuyên gia, Sony A7s có khả năng đẩy sáng lên cao hơn các máy ảnh khác khoảng 3 stop. Nghĩa là trong điều kiện ánh sáng yếu hơn 8 lần, máy vẫn có thể cho ra hình ảnh tương đương các đối thủ còn lại.
Với kết quả so sánh này, có thể hiểu tại sao Sony lại là ông trùm trong lĩnh vực máy ảnh và cảm biến ảnh. Sau quyết định đầu tư thêm 4 tỷ USD vào việc sản xuất cảm biến của nhà sản xuất Nhật Bản, hy vọng chúng ta sẽ có thêm nhiều sản phẩm máy ảnh, điện thoại chụp ảnh tốt hơn nữa.