Hầu hết các thiết bị thông minh hiện nay đều cần đến màn hình cho dù là to hay nhỏ. Trong cuộc sống, bạn sẽ bắt gặp màn hình ở khắp mọi nơi, từ TV trong phòng khách, máy tính trên bàn làm việc, chiếc máy tính bảng hay dùng để chơi game cho đến những thứ thân thuộc thuộc hơn như điện thoại, đồng hồ thông minh,…
Và nếu để ý, bạn sẽ thấy mỗi thiết bị lại có cách hiển thị khác nhau. Có những màn hình cho độ chi tiết tốt, màu sắc rực rỡ nhìn rất “sướng mắt”, nhưng lại có những màn hình bị chê là “xấu” bởi màu sắc kém tươi hơn. Tuy vậy, chưa chắc màn “kém tươi” đã là màn chất lượng thấp, và màn hiển thị rực rỡ chưa hẳn đã là tốt.
Mỗi thiết bị khác nhau lại cho kết quả hiển thị khác nhau. Ảnh: Phone Arena
Cũng cần nói thêm, màn hình là một bộ phận cực kỳ quan trọng trong các thiết bị thông minh hiện nay. Chẳng hạn như với smartphone, màn hình là thứ để chúng ta trực tiếp nhìn vào hàng ngày, hàng giờ, thu nhận thông tin cũng như thao tác trực tiếp trên đó. Thế nên chọn kiểu màn hình phù hợp là điều cần được người dùng cân nhắc.
Có 2 loại màn hình chính được sử dụng nhiều hiện nay là LCD và AMOLED. Màn hình LCD lại được chia thành 2 loại là TFT và IPS, còn màn hình AMOLED đã được phát triển thêm các phiên bản như Super AMOLED, Super AMOLED Plus,… Màn hình AMOLED vốn bị cho là “nịnh mắt” hơn màn hình màn hình LCD thông thường, tuy vậy sau quá trình phát triển, màn hình Super AMOLED được sử dụng nhiều trên các sản phẩm Samsung hiện nay đã có chất lượng hình ảnh, màu sắc khá tốt và trung thực, trong khi màn LCD lại có xu hướng “ảo” hơn xưa. Yếu tố này cũng còn phụ thuộc nhiều vào công nghệ cũng như thuật toán xử lý của các hãng, thậm chí họ còn bổ sung thêm cả công cụ “điều chỉnh độ nịnh mắt” cho các sản phẩm của mình để người dùng có thể thoả mái cân chỉnh theo ý muốn.
Thế nhưng tạm thời dẹp qua một bên các yếu tố như kích thước màn hình, độ phân giải, công nghệ hình ảnh,… Hãy cùng xét xem màn hình nào có lợi trong trường hợp nào, vào nhu cầu của bạn sẽ cần một màn hình “nịnh mắt” hay một màn hình trung thực?
Cần màn hình nịnh mắt khi nào?
“Nịnh mắt” là thuật ngữ thường dùng để chỉ loại màn hình có khả năng hiển thị hình ảnh đẹp hơn thực tế. Chẳng hạn như khi bạn chụp một bông hoa, hình ảnh bông hoa hiện lên trên điện thoại còn hấp dẫn hơn cả bông hoa đang nở trên cây kia.
Thuật ngữ này thường dùng để mô tả cảm nhận chung của người dùng đối với một loại màn hình nào đó. Còn trên thực tế, có thể có loại màn hình sẽ chỉ cho khả năng hiển thị màu Đỏ đẹp hơn màn hình khác, nhưng khi hiển thị màu Xanh thì chưa chắc đã tối ưu bằng.
Ảnh minh hoa. Nguồn: Phone Arena
“Nịnh mắt” sẽ rất có ích nếu bạn bạn dùng điện thoại để thưởng thức các nội dung như phim ảnh, lướt web, văn bản,… Chẳng có gì “sướng” hơn khi các thông tin này được hiển thị rõ ràng, đẹp mắt, hoặc ít nhất là dễ nhìn hơn thực tế.
Bạn sẽ thấy rõ tác dụng của loại màn hình này khi chuyển từ màn hình “nịnh mắt” sang màn hình chân thực, chẳng hạn như từ một chiếc smartphone cao cấp của Samsung hoặc HTC, sang một chiếc iPhone.
Trong lĩnh vực nhiếp ảnh - một lĩnh vực có yêu cầu rất cao về hình ảnh cũng như màu sắc, màn “nịnh mắt” cũng có những điểm lợi/hại khác nhau.
Chẳng hạn như một vài loại máy mới của Canon được đánh giá có màn hình quá “nịnh”. Ngay sau khi bấm chụp, người thợ ảnh có thể có được một khung hình tuyệt vời với màu sắc tươi tắn, hấp dẫn. Cho dù là chụp mẫu, chụp chân dung, da người hiển thị hồng hào, sáng mịn. Điều đó làm cho cả người chụp và người làm mẫu đều vui vẻ, thích thú, tạo cảm hứng tốt cho công việc.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Cnet
Nhìn chung, màn hình “nịnh mắt” sẽ là lý tưởng cho việc thưởng thức hay quảng cáo nội dung số. Mọi sự vật được hiển thị lung linh, tươi sáng sẽ giúp cho đôi mắt cũng như tâm hồn của người nhìn được dễ chịu, vui vẻ hơn.
Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, đôi khi màn hình loại này lại bị coi là “lừa tình”, thậm chí trong nhiều trường hợp còn gây ra những phiền toái không nhỏ cho người dùng chúng.
Cẩn thận với những "kẻ xu nịnh"
Như ví dụ trong việc chụp ảnh ở trên, một màn hình “nịnh mắt” có thể khiến chúng ta đánh giá sai nội dung được hiển thị trên đó.
Với những tay máy nghiệp dư, việc chuyển bức ảnh vừa chụp được ra máy tính có thể sẽ là một cơn ác mộng khi kết quả nhận được khác xa những gì họ tưởng tượng. Một bức hình lung linh, rực rỡ trên màn hình máy ảnh có thể biến thành một bức ảnh bền bệt, màu sắc nhợt nhạt, da người mẫu thiếu sức sống,… khi đưa lên máy tính.
Có một sự khác biệt không nhỏ khi đưa bức hình từ thiết bị này sang thiết bị khác.
Điều này thậm chí còn nguy hiểm hơn nếu người thợ dùng một màn hình “nịnh mắt” để làm hậu kỳ cho bức ảnh. Thế nên hầu hết các studio hiện nay đều cần những chiếc máy có màn hình chuẩn, được cân chỉnh thường xuyên để giữ được độ trung thực cần thiết.
Còn đối với điện thoại, không ít những người dùng gặp “quả đắng” khi bức hình tưởng chừng đã hoàn hảo của họ, nhưng khi chia sẻ trên Facebook thì lại … chẳng nhận được bao nhiêu “like”. Đơn giản là bởi khi hiển thị trên dòng điện thoại khác, bức ảnh đó không còn giữ được chất lượng, đặc biệt là màu sắc như tưởng tượng của người chụp nữa.
Mỗi chiếc máy lại có cách tái hiện màu sắc khác nhau với cùng một tấm hình. Ảnh: Phone Arena
Thế nhưng ngược lại, khi bạn đã có một bức hình đẹp mắt trên một màn hình “chuẩn”, chắc chắn bức hình đó sẽ đẹp mắt hơn nhiều lần nếu được xem trên một màn hình “nịnh mắt”.
Nhìn chung, nếu không xét đến yếu tố “sở thích của người dùng” thì màn hình “nịnh mắt” chỉ nên dành cho việc thưởng thức nội dung số. Còn khi coi màn hình là một công cụ làm việc, bạn nên chọn loại máy cũng như màn hình có khả năng hiển thị chuẩn, trung thực.
Trong trường hợp của những smartphone có màn hình “nịnh mắt”, bạn có thể hài lòng với chất lượng hiển thị của nó, nhưng cũng đừng quá vội mừng khi chụp được một bức ảnh đẹp. Đôi khi không phải camera của chiếc smartphone đó tốt, mà đơn giản là nó đó có một màn hình quá rực rỡ.