Báo Vietnamnet mới đây đã dẫn lời kết quả khảo sát của cơ quan nghiên cứu thị trường GfK cho biết, chỉ có 8% người dùng phản đối tăng giá cước 3G, đồng nghĩa với 92% còn lại đồng ý với việc tăng giá.
Đó là kết quả của cuộc khảo sát có tên "Nghiên cứu sự hài lòng của người dùng 3G tại Việt Nam năm 2014" do GfK phối hợp với báo Bưu điện Việt Nam tiến hành từ tháng 11/2014 - tháng 1/2015.
Cụ thể, với câu hỏi mà GfK đặt ra cho những người được khảo sát là "Giả sử nhà cung cấp dịch vụ 3G mà anh chị đang dùng tăng giá cước 3G thì anh/chị chấp nhận được mức tăng bao nhiêu?", với những câu trả lời tương ứng là Dưới 5%, từ 5-10%, từ 10-20%, trên 30% và Không đồng ý tăng. Có 8% người dùng chọn phương án cuối, chính là 8% số người phản đối mà GfK công bố.
Ngoài ra, có 82% người dùng cho biết họ có thể "chịu" được mức tăng 5% hoặc thấp hơn. Với mức tăng từ 5-10%, 59% người dùng sẽ chuyển qua gói cước rẻ hơn. Trong trường hợp mức tăng vượt trên 10%, có tới 47% người dùng khẳng định họ sẽ đổi qua nhà cung cấp khác.
Con số thấp đến bất ngờ này không khỏi gây ra nhiều thắc mắc cho những người được chia sẻ. Ngay chính đại diện GfK cũng phải thừa nhận, cá nhân bà không đồng ý tăng cước 3G, nhưng "ý kiến chủ quan của chúng ta rất khác với khi khảo sát".
8% phản đối không có nghĩa là 92% ủng hộ
Giải đáp vẫn đến này, một số ý kiến cho rằng chính cách đặt câu hỏi và câu trả lời của GfK đã gây ra sự hiểu lầm đối với những người được khảo sát.
Câu hỏi này đã mang tính "đóng khung lựa chọn", thậm chí là "gài bẫy" người dùng, họ chỉ chấp nhận mức tăng nhiều hay ít chứ không phải là ủng hộ.
Việc GfK giải thích rằng "Thay vì đặt 2 câu hỏi riêng biệt là : Anh/chị có đồng ý tăng cước 3G hay không? Và mức tăng chấp nhận được là bao nhiêu? Thì gộp lại thành câu hỏi như đã đưa ra trong khảo sát cũng không dẫn tới câu trả lời khác nhau là mấy" cũng không tỏ ra thuyết phục.
"Với câu hỏi này mà suy luận 92% người dùng đồng ý tăng cước 3G thì hơi mạo hiểm", một chuyên gia bình luận.
Ngoài ra, đối tượng khảo sát mà GfK thực hiện còn quá ít nên cũng chưa thể đi đến kết luận chung cho toàn bộ người dùng Việt được. Họ mới chỉ khảo sát trên 576 người tại 3 khu vực là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Việc 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VinaPhone đồng loạt thông báo tăng cước 3G từ giữa tháng 10/2013 đã gây ra phản ứng gay gắt từ phía dư luận. Theo các chuyên gia phân tích khi ấy, giá cước 3G của VN tuy đang thấp hơn nhiều nước nhưng mức thu nhập bình quân trên đầu người của VN cũng thấp hơn tương ứng. Vì vậy khó có thể nói rằng cước 3G của Việt Nam là thấp nhất thế giới để tăng cước. Vụ việc ầm ĩ tới mức Chính phủ đã phải yêu cầu công khai kết luận về tăng cước 3G một cách rõ ràng tới người dân.
Trước kết quả khảo sát này của GfK, báo Vietnamnet cho biết, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng đồng tình rằng, việc hãng nghiên cứu khảo sát với số mẫu thấp có thể dẫn đến sai số lớn so với thực tế. Hơn nữa, việc chỉ khảo sát ở 3 Thành phố lớn sẽ không thể đại diện cho các vùng miền khác. "Chỉ nên coi đây là một kênh thông tin mới để tham khảo chứ không phải là số liệu chính thống của Bộ", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chọn gói cước Internet 3G với mức giá hợp lý, phù hợp nhu cầu
(Techz.vn) Dưới đây là bảng so sánh giá cước 3G của Viettel, MobiFone và Vinaphone để bạn có thể lựa chọn cho mình nhà mạng cũng như gói cước phù hợp.