Mấy ngày vừa qua, giới công nghệ tại Việt Nam xôn xao sau thông tin về việc, Bphone chậm trễ là do thiếu nguồn linh kiện kính sapphire bảo vệ camera. Trước thông tin này, cõ lẽ những người quan tâm đến chiếc điện thoại “Made in Vietnam” sẽ không khỏi có những cảm xúc buồn, vui thậm chí tức giận khác nhau.
Buồn bực khi chiếc điện thoại đình đám chậm ra mắt chỉ vì một chi tiết nhỏ xíu, buồn vì không biết đến khi nào nó mới ra mắt để “dìm hàng”, buồn vì phải chờ đợi….Thế nhưng ở khía cạnh ngược lại, việc trì hoãn sản phẩm chiến lược chỉ vì một chi tiết nhỏ (nhỏ nhưng cao cấp) lại càng củng cố thêm niềm tin đối với một sản phẩm chất lượng và được đầu tư thực sự nghiêm túc từ Bkav.
Kính sapphire là trang bị nên có đối với một chiếc điện thoại thuộc hàng flagship. Thế nhưng cũng chẳng ai bắt bẻ Bkav phải trang bị cho Bphone, bởi ngay cả một vài sản phẩm smartphone cao cấp của các hãng lớn cũng không có trang bị này.
Vậy mà Bkav chấp nhận trì hoãn đứa “con cưng” của mình cho dù họ hoàn toàn có thể sử dụng vật liệu khác, chẳng hạn như kính cường lực để thay thế. Việc liên tục “nhá hàng” nhưng lại chậm trễ trong giới thiệu không khỏi khiến nhiều người nghi ngờ. Họ cho rằng cái tên Bphone chính là để chỉ …Bombphone, những lần “số một thế giới” kia cũng chỉ là những lần “nổ” của Bkav, vì chẳng ai biết sản phẩm thực tế làm được gì.
Thế nhưng tôi không nghĩ vậy. Với những gì Bkav đã và đang làm được, những gì họ đã thể hiện trên chiếc điện thoại của mình (dù vẫn còn giấu kín thiết kế), Bphone phải là một “Bigphone” mới đúng. Bigphone không phải để chỉ chiếc điện thoại to lớn, dù màn hình của nó cũng lên tới 5-inch, mà Bigphone là niềm tin tuyệt đối dành cho chiếc điện thoại này, nó sẽ là một sản phẩm có thể làm nên chuyện lớn.
Bphone được mang đến cho người dùng trải nghiệm. Ảnh: Youtube
Suy nghĩ này xuất hiện ngay từ lần đầu Bphone xuất hiện, đó chính là tại CES 2015.
Không phải cứ điện thoại xuất hiện tại CES thì sẽ thành công, mà điều đó cho thấy tầm vóc của Bkav cũng như mục tiêu hướng đến của nhà sản xuất này. Họ muốn Bphone sẽ vươn ra thế giới chứ không chỉ gói gọn ước mơ phục vụ người dùng trong nước như nhiều hãng điện thoại “thương hiệu Việt” khác. Vươn ra tầm thế giới, nghĩa là sẽ cạnh tranh với những iPhone, Galaxy, Xperia,… những cái tên đã được khẳng định, và Bphone không thể là một sản phẩm tầm thường.
Vậy Bphone là một sản phẩm như thế nào?
Câu hỏi này thì có lẽ chỉ có các sếp của Bkav mới nắm được. Chiếc máy của họ tuy vẫn chưa lộ thiết kế ra ngoài, nhưng được nhấn mạnh rằng có kiểu dáng đặc biệt, sang trọng và không đi theo phong cách của bất cứ sản phẩm nào trước đó.
Họ đã sử dụng những vật liệu cao cấp được chọn lọc cẩn thận như mặt lưng bằng kính, khung nhôm nguyên khối chắc chắn. Và trên thị trường hiện nay thì những smartphone hàng đầu cũng chỉ được trang bị đến vậy.
Lời khẳng định Bphone “càng ngắm càng yêu” của Chủ tịch Nguyễn Tử Quảng có lẽ cũng không phải là không có cơ sở, nhất là khi quan niệm đẹp rất tương đối, tuỳ thuộc suy nghĩ của mỗi người. Nếu bạn cũng có mắt thẩm mỹ như Chủ tịch Quảng thì có lẽ Bphone là sản phẩm đẹp không cần bàn cãi nữa.
Bên trong thiết kế nguyên khối nói trên, Bkav cũng cho biết đã trang bị những linh kiện tốt nhất có thể cho sản phẩm của mình, từ màn hình của Sharp, chip Qualcomm cho tới bộ nhớ của Toshiba,… Những linh kiện “hàng hiệu” trên tất nhiên vẫn cần có sự kết hợp khéo léo cũng như các thuật toán xử lý một cách tối ưu, thông minh của nhà sản xuất để phát huy thế mạnh của mình. Nhưng ít nhất, đó cũng là nền móng quan trọng đối với một sản phẩm muốn làm nên chuyện lớn. Cho dù Bphone đẹp, chất lượng âm thanh hay, nhưng có lẽ trong thời gian tới, Bkav cũng nên trình diễn những khả năng khác để người dùng yên tâm chờ đợi hơn, chẳng hạn như khả năng chụp ảnh, chạy đa nhiệm, điểm benchmark,…
Được cho là sẽ ra mắt trong tháng 5 năm nay, smartphone Bkav vô tình vấp phải sự cạnh tranh trực tiếp từ 2 tên tuổi lớn khác là LG G4 hay Sony Xperia Z4, trước khi đối mặt với những siêu phẩm như Galaxy S6, Galaxy Note 5 hay Apple iPhone,…
Thị trường điện thoại cao cấp vốn chật chội và khó chen vào, nhưng ít nhất Bphone vẫn có được sự ủng hộ của không ít người dùng Việt. Điều quan trọng là giá trị sản phẩm thực tế, nhất là khi họ đã phóng mũi lao về chất lượng sản phẩm đi lên “cao nhất thế giới”.
Bkav không còn cách nào khác ngoài cho ra đời một sản phẩm thực sự chất lượng nếu không muốn người dùng hụt hẫng và quay lưng với họ. Điều này có lẽ không khó đối với đội ngũ kỹ sư chuyên nghiệp và nhà máy có thể sản xuất vài chục nghìn sản phẩm mỗi tháng như hiện nay.
Bphone là Bkav-phone, Bigphone, hay dù là Bombphone, hãy là một quả bom thật lớn, nổ tan mọi nghi ngờ của người dùng từ trước đến nay về một sản phẩm điện thoại thương hiệu Việt.