Kiến thức nhiếp ảnh

Cinematic Photography - khi nhiếp ảnh và điện ảnh hoà làm một

Cinematic Photography - khi nhiếp ảnh và điện ảnh hoà làm một

Cinematic là một thể loại mới trong nhiếp ảnh hiện nay, khi người chụp sẽ lồng ghép, tạo hiệu ứng cho bức ảnh để nó giống như một khung hình được cắt ra từ một bộ phim dài.

Vậy có gì hay ở Cinematic Photography?

Có thể mỗi người sẽ có một cảm nhận khác nhau khi nhìn vào một bức ảnh Cinematic. Bạn có thể nhìn một vài bức ảnh dưới đây để đưa ra cảm nhận của mình.

Ảnh: David Geffin

Nếu như một bức ảnh bình thường có thể khiến người xem có cảm giác hoà vào không gian, bối cảnh nơi đó, thì một bức ảnh Cinematic còn mang đến cả những cảm nhận về mặt thời gian. Và qua những lời thoại “giả” được lồng ghép, người xem có thể thoả sức tưởng tượng ra nội dung của những đoạn phim, bối cảnh bức ảnh, những tình huống có thể xảy ra tiếp theo, tâm lý nhân vật,… Bức ảnh sẽ có chiều sâu và thể hiện được nhiều nội dung hơn.

Bạn từng xem những bộ phim điện ảnh trên màn ảnh rộng và mong muốn được xuất trong khung hình đó, hay là có thể tự mình tạo nên một hình ảnh như vậy? Cinematic Photography là cách dễ dàng nhất để thực hiện điều đó.

Trào lưu làm ảnh Cinemactic mới phát triển tại Việt Nam thời gian gần đây. Một group trên Facebook có tên Vietnam Cinematic Photography đến nay đã có gần một ngàn thành viên tham gia tích cực. Bạn có thể vào nhóm để cùng ngắm những bức ảnh Cinematic mang đậm phong cách Việt Nam, cùng tham gia trao đổi, giao lưu những bức ảnh cũng như kỹ thuật làm ảnh thú vị này.

Theo anh Đinh Thái Dương, admin của group Vietnam Cinematic Photography, đây là thể loại ảnh mới, thậm chí ở nước ngoài thì số lượng người chơi cũng chưa nhiều.

Cinematic Photography đem lại một không gian rất gợi mở trong từng tấm hình và người xem có thể thoả sức tưởng tượng vè câu chuyện trong đó.

Cinematic Photography mang hơi hướng kết hợp giữa nhiếp ảnh và điện ảnh, đem lại một không gian rất gợi mở trong từng tấm hình và câu chuyện trong đó. Chủ thể trong tấm ảnh thường là những góc chụp đời thường, chân dung có câu chuyện hoặc đặc tả một góc cảnh nào đó tự nhiên.

Làm sao để bức ảnh nhìn “Cinematic” hơn?

Qua những bức ảnh ở trên, một điểm dễ nhận thấy trong những bức ảnh Cinematic đó là việc sử dụng một bức ảnh chính khổ dài, kết hợp với 2 dải đen ở 2 đầu trên dưới cùng việc kéo màu giống như một bức ảnh phim cũ kỹ. Những yếu tố này sẽ tạo nên nét hoài cổ, lắng đọng cho “bộ phim” mà chúng ta sắp tạo ra.

Theo anh Dương, các nhiếp ảnh gia nước ngoài thường sử dụng một dụng cụ có tên Anamorphic, gắn phía trước lens máy ảnh. Anamorphic có tác dụng bóp méo hình ảnh, để đến khâu hậu kỳ thì người chụp sẽ kéo dãn bức ảnh ra theo đúng tỷ lệ phim mong muốn. Tuy nhiên tại Việt Nam thì thiết bị này khá hiếm và đắt đỏ nên hầu hết người chơi thường sử dụng phương pháp đơn giản hơn, đó là crop bức hình.

Anamorphic.

Bạn cũng có thể tưởng tượng và thêm vào một đoạn hội thoại nào đó để khiến nội dung bức ảnh được phong phú hơn. Theo một vài “tín đồ” của thể loại này, việc nghĩ hội thoại chính là yếu tố mang lại niềm vui, sự sáng tạo cho cả người làm lẫn người xem, điều mà hiếm có thể loại ảnh nào làm được.

Có 2 quan điểm chính trong việc tạo ra một bức ảnh Cinematic. Có người cho rằng yếu tố cốt lõi của Cinematic chính là khoảnh khắc, sự gắn kết giữa chủ thể với bối cảnh xung quanh chứ không phải là màu sắc.

Ảnh: Jeff Krol

Tuy nhiên một ý kiến khác lại cho rằng, màu sắc, đoạn hội thoại được lồng ghép mới là yếu tố tạo nên cái hay cho bức ảnh Cinematic. Do Cinematic là biến bức ảnh bình thường trở nên giống một khung hình được cắt ra từ phim, nên hình ảnh này rất đa dạng và có thể là bất cứ thứ gì. Điều đó sẽ khiến người xem thoả sức tưởng tượng hơn thay vì chỉ tập trung vào một chủ thể.

Nhưng dù suy nghĩ theo hướng nào, bạn cũng nên thử áp dụng và đảm bảo một vài yếu tố chính sau, để có được bức ảnh Cinematic một cách dễ nhất.

Một vài lưu ý về ảnh Cinamatic:

- Khung bên ngoài theo tỷ lệ 16:9, nền đen.

- Phần ảnh chính sẽ dài hơn, thường là tỷ lệ 2,3:1 (hoặc 21:9).

- Tăng màu xanh dương cho vùng Shadows (vùng tối), và tăng thêm màu vàng cho vùng sáng để tạo sự tương phản về màu sắc.

- Giữ độ tương phản của bức ảnh ở mức thấp để tạo độ nhám cho bức ảnh giống như một bộ phim nhựa thực thụ.

- Chèn thêm một, hai câu thoại, sử dụng font chữ đơn giản, dễ nhìn (giống như phần thuyết minh trên các bộ phim trên TV).

 Một vài bức ảnh Cinematic trên nhóm Vietnam Cinematic Photography:

Ảnh: Thái Dương.

Ảnh: Duy Khanh

Ảnh: Tuấn Anh

Ảnh: LQ 

Bạn đọc quan tâm đến thể loại ảnh này, có thể vào đây để tham khảo một chút về ảnh Cinematic thuở sơ khai.

Download Preset Lightroom làm ảnh Cinematic.

Tham gia nhóm Vietnam Cinematic Photography trên Facebook.

 

Gợi ý những phong cách chụp ảnh điện thoại dễ gây ấn tượng

(Techz.vn) Dưới đây là một vài kiểu chụp ảnh dễ dàng gây ấn tượng với người xem, và hoàn toàn có thể thực hiện bằng điện thoại.