Chặt cây tại Hà Nội đang là một trong những vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay. Không chỉ đối với người dân Hà Nội mà còn là người dân trên khắp cả nước, khắp thế giới, những người quan tâm đến vấn đề môi trường, cây xanh,…
Việc chặt cây đã được dừng lại và tạm kết bằng một cuộc họp báo gây nhiều thắc mắc, thế nhưng kết quả đạt được trước hết có lẽ cũng làm chúng ta an tâm phần nào. Khoảng 500 cây đã bị chặt hạ trước khi lãnh đạo Thành phố thay đổi quyết định. Thế nhưng đáng lẽ con số này có thể còn cao hơn nhiều nếu không có sự phản đối mạnh mẽ từ người dân, từ dư luận, mà quyết liệt nhất có lẽ cộng đồng mạng.
Ngày 17/3, ngay sau khi có thông tin về việc Hà Nội sẽ chặt hạ và thay thế 6.700 cây xanh trên địa bàn, một fanpage trên Facebook có tên “6,700 người vì 6,700 cây xanh” đã được lập ra và đến nay thu hút được hơn 50.000 lượt likes. Bên cạnh việc chia sẻ quan điểm, các tin tức, hình ảnh cập nhật về vấn đề này, fanpage cũng đã có những hành động cụ thể và thiết thực, chẳng hạn như tổ chức picnic, ôm cây, gắn nơ cho cây, cùng thay đổi ảnh đại diện,…
Với mong muốn có được chữ ký của 6700 người cho một bức thư ngỏ nhằm gửi đến các lãnh đạo thành phố, đến nay tổ chức này đã thu hút được hơn 23.000 chữ ký.
Số người ký tên vào thư ngỏ nhằm gửi tới lãnh đạo TP. Hà Nội.
Bên cạnh fanpage kể trên, hàng loạt group, page được làm với nội dung kêu gọi mọi người phản đối chặt cây, thể hiện tình yêu cây,… cũng được lập ra nhằm cố gắng góp tiếng nói của mình để bảo vệ cây xanh Hà Nội.
Phong trào đổi ảnh đại diện để thể hiện tình yêu cây nở rộ trên Facebook.
Những chia sẻ từ người nổi tiếng, từ những người có tiếng nói trong cộng đồng cũng đã gây ra một sức ép không nhỏ dẫn đến quyết định dừng chặt cây.
Ngày 18/3, Giáo sư Toán học Ngô Bảo Châu chia sẻ trên trang cá nhân theo cách đặt câu hỏi cho người có trách nhiệm về những vấn đề mà ông thắc mắc, quan ngại. Chẳng hạn như “Tại sao từ trước đến nay công ty công viên cây xanh vẫn thực hiện duy tu bảo trì mà không cần chiến dịch chặt cây?” hay “Cây mới trồng lại bao giờ mới lớn? Để chờ một có một hàng cây đồng bộ thẳng hàng, tổn thất cho dân là gì, có xứng đáng không?”,….
Những câu hỏi tuy đơn giản nhưng thiết thực và “gãi đúng chỗ ngứa” của người dân, chúng nhận được sự ủng hộ và chia sẻ cực nhiều trên các trang báo mạng và những người dùng mạng xã hội.
Bình luận của độc giả trên trang VnExpress.net.
Ngoài ra, những phong trào đổi ảnh đại diện, chế ảnh, chế bài hát về cây cũng là một việc làm được nhiều người coi là một vũ khí nhằm bảo vệ cây xanh cho Hà Nội.
Để thấy được sức lan truyền của sự kiện này trên Facebook, bạn có thể tìm kiếm với hashtag #6700cay hay #toiyeucay, #treehug và cảm nhận tình yêu cây, sự phản đối mạnh mẽ của cộng động mạng với vấn đề này.
Cũng không thể không nhắc đến sự quan tâm sâu sắc của báo chí, các cơ quan truyền thông đến việc chặt cây tại Hà Nội. Thử vào trang Google và tìm kiếm với từ khoá “phản đối chặt cây Hà Nội”, một danh sách với gần 3 triệu kết quả trong 0,22 giây đủ cho thấy tiếng nói không nhỏ từ các cơ quan này.
Những bài viết về vấn đề chặt cây thường nhận được sự quan tâm không nhỏ của độc giả. Hàng triệu lượt chia sẻ cũng như hàng ngàn bình luận, hầu hết là phản đối đã cho thấy sự quan tâm và không đồng tình với quyết định chặt cây lần này. Chúng cũng góp phần không nhỏ mang tiếng nói của người dân đến lãnh đạo thành phố và những người có chức trách.
Và cũng còn rất nhiều cách thể hiện khác nhau của những người quan tâm đến chuyện cây xanh của Hà Nội.
Các bạn trẻ tham gia hoạt động của “6,700 người vì 6,700 cây xanh”. Ảnh: Phapluattp
Chưa có một cái kết rõ ràng cho vấn đề trên, tuy nhiên qua đây có thể thấy được sức mạnh của dư luận, đặc biệt là cộng đồng mạng lớn như thế nào.
Ở thời đại Internet hiện nay, mọi thông tin hầu hết đều được đăng tải trên các phương tiện truyền thông và tất cả đều có thể nắm được nhờ báo mạng, mạng xã hội.
Phản đối, đồng tình, hay bất kỳ quan điểm cá nhân nào chúng ta cũng có thể chia sẻ ngay trên các trang cá nhân của mình, chẳng hạn như Facebook, Twitter, Zing Me,… Một lời nói có thể không có tác dụng, nhưng tiếng nói của một cộng đồng chắc chắn sẽ gây một sức ép không nhỏ đến những người liên quan, những người có trách nhiệm.
Thành công từ việc phản đối chặt cây là một minh chứng rõ ràng cho việc này. Nếu không có mạng xã hội, có lẽ chẳng ai nắm được việc Hà Nội quyết định chặt 6.700 cây nói trên, hay chẳng thể hô hào mọi người cùng ra sức bảo vệ cây xanh như các bạn trẻ ở trên đã làm.