Trong thế giới của những chiếc tai nghe nói riêng và thiết bị âm thanh nói chung, Grado là một cái tên khá đặc biệt. Thương hiệu tai nghe từ Mỹ có lịch sử hơn 60 năm, với số lượng model được tung ra không nhiều, tuy nhiên bất cứ chiếc tai nghe nào do Grado sản xuất cũng được người chơi đánh giá vào hàng “best p/p”, tức là có hiệu năng tuyệt vời so với giá thành.
Điều đặc biệt của Grado còn ở chỗ, dù đã có tuổi đời hơn nửa thế kỷ, thế nhưng nhà sản xuất này vẫn giữ nguyên truyền thống về thiết kế tai nghe, chất âm và cách thức phân phối khá lạ lùng so với các thương hiệu khác. Những chiếc tai nghe thuộc dòng Prestige và Reference, từ bình dân đến cao cấp đều được sản xuất thủ công tại một xưởng nhỏ ở Brooklyn (Mỹ). Điều đó có nghĩa là, nếu bạn đang sở hữu một chiếc tai nghe Grado, có thể bạn đang được sử dụng sản phẩm do chính người chủ của thương hiệu này tự tay lắp ráp và kiểm định. Và tất nhiên chất lượng thì không cần bàn cãi.
Chiếc tai nghe mà Techz trải nghiệm lần này là Grado SR80e, phiên bản nâng cấp của SR80i và mới được tung ra trong năm 2014. Sản phẩm được mượn từ Svhouse (loa.com.vn), đơn vị phân phối chính hãng tai nghe Grado tại Việt Nam.
Thiết kế cổ điển, đậm chất Mỹ
Như đã nói ở trên, Grado vẫn giữ nguyên truyền thống thiết kế tai nghe của mình cho dù đó là sản phẩm bình dân hay cao cấp, hay nói một cách khác, họ là hãng tai nghe “lười” đầu tư cho thiết kế nhất. Song không vì vậy mà những chiếc tai nghe “Made in USA” này trông nhàm chán.
SR80e có thể coi là sản phẩm “giá rẻ” trong đại gia đình Grado, thế nhưng vẫn mang những nét đặc trưng khó lẫn vào đâu được khi so với các sản phẩm khác trên thị trường hiện nay, với thiết kế củ tai có khung tròn, dạng mở và phần lưới thoát âm khá lớn.
Hộp đựng của Grado Prestige SR80e.
Khoan hãy nói về thiết kế, ngay từ cách đóng hộp của Grado SR80e hay các sản phẩm khác thuộc dòng Prestige Series khác cũng toát lên vẻ đơn giản đến bất ngờ. Chiếc hộp cực kỳ nhỏ gọn và đơn điệu, bên trong chỉ vừa đủ chứa chiếc tai nghe được giữ cẩn thận bằng một miếng đệm mút vừa khít. Phụ kiện duy nhất mà chúng ta có chỉ là một jack chuyển từ chân 3.5mm sang 6.3mm, giúp người dùng có thể kết nối với những thiết bị phát đa dạng hơn, từ smartphone, máy nghe nhạc cho đến dàn âm thanh cỡ lớn tại nhà.
Nếu cẩn thận hơn, có thể bạn sẽ cần trang bị thêm một chiếc túi hoặc hộp đựng để mang theo tai nghe mỗi khi di chuyển. Tuy nhiên điều này là không mấy cần thiết bởi ngay bản thân chiếc tai nghe cũng đã quá đơn giản và “trâu bò”, cảm tưởng như chẳng tác động vật lý nào có thể gây hại cho nó.
SR80e vẫn mang phong cách thiết kế của các sản phẩm Grado.
Ấn tượng ban đầu về headphone của năm 2014 là nó chẳng khác gì phiên bản SR80i trước đó hay chiếc SR60 đời thấp hơn, điểm khác biệt có lẽ chỉ là số hiệu tai nghe SR80e. Và tất cả chúng đều mang dáng dấp của những chiếc tai nghe radio từ thập niên 60 của thế kỷ trước.
Đây là dòng tai nghe tầm “low-end” của Grado nên chủ yếu dùng vật liêụ nhựa trong thiết kế củ tai. Do là nhựa đúc cộng với màu đen chủ đạo nên phần housing này nhìn không mấy sang trọng, các chi tiết ở mép cũng không được trau chuốt, chất lượng hoàn thiện chưa thực sự cao. Nhưng bù lại, chúng ta có một chiếc tai nghe nhẹ, cứng cáp, và …khó bị cũ. Ngoại hình của một chiếc SR80e đã dùng vài năm hay mới bóc hộp có lẽ cũng chẳng khác nhau nhiều.
Vật liệu làm củ tai là nhựa, tuy nhiên nhìn vẫn khá chắc chắn và có nét hấp dẫn riêng.
Phần dây tai nghe khá dài và lớn, không giống một thiết bị hướng đến khả năng di động.
Phần jack tai nghe 3.5mm cũng không toát lên vẻ gì là hiện đại, nhìn khá giống với những thiết bị phòng thu ngày xưa.
Phần đệm tai khá dày và êm ái.
Grado SR80e khá phù hợp với những khung cảnh cổ điển.
Một điểm đáng chú ý ở củ loa này, đó là phần lưới thoát âm được làm khá thô, các lỗ to đến mức đủ nhìn thấy cả driver bên trong. Mặc dù đây có thể là truyền thống của Grado và các lỗ này một phần nằm trong tính toán về chất âm cho một chiếc tai nghe dạng Open, thế nhưng bụi bẩn hay các vật thể nhỏ hoàn toàn có thể chui vào đây một cách dễ dàng. Người dùng cần lưu ý sử dụng và bảo quản tai nghe trong những môi trường sạch sẽ để hạn chế những yếu tố ẩm mốc, bụi bẩn làm ảnh hưởng đến chất lượng và tuổi thọ tai nghe.
Phần lưới thoát âm khá lớn.
Nhìn chung, thiết kế của Grado SR80e tỏ ra khá hầm hố ở các chi tiết nhỏ, nhưng tổng thể lại đơn giản, tất cả đều toát lên vẻ mộc mạc và cổ điện, đậm chất Mỹ. Như đã nói ở trên, thiết kế của chiếc tai nghe này khá thô, từ củ tai, headband cho đến sợi dây dẫn vừa dài vừa to. Chúng ảnh hưởng khá nhiều đến trải nghiệm trong quá trình sử dụng, sẽ được trình bày ở bên dưới.
Độ thoả mái, cách âm
Những chiếc tai nghe của Grado vốn bị cho là có phần gọng khá cứng, khiến cho người dùng bị đau tai khi nghe lâu. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng SR80e, có những lúc đeo liền 3-4 tiếng đồng, người viết chưa gặp phải tình trạng này. Có thể sự cải thiện đã đến từ phần khung trùm đầu mềm dẻo hơn, pad đệm mút được làm dày và cũng êm ái hơn. Ngoài ra, phần pad dày này cho khả năng cách âm khá tốt, tiếng động từ bên ngoài khó mà lọt vào tai người khi đã đeo tai nghe lên.
Với những người có khung đầu lớn, bạn có thể bẻ cong phần gọng một chút theo hướng dẫn đi kèm để trải nghiệm tai nghe được thoả mái hơn.
Về sự thoát âm ra bên ngoài, đây là nhược điểm tất yếu của những chiếc tai nghe dạng mở và SR80e cũng vậy. Tất nhiên, chúng ta sẽ được đánh đổi bằng âm trường và âm hình thoáng đãng, nhưng người dùng cũng cần lưu ý vấn đề này để tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Lượng âm thoát ra từ SR80e không nhiều, nhưng cũng không ít nếu bạn mở nhạc với âm lượng lớn. Chiếc tai nghe này thích hợp để nghe nhạc trong nhà hoặc những nơi yên tĩnh, hơn là nghe nhạc tại những nơi công cộng hay trên xe bus. Phần dây khá dài và to bản của SR80e cũng cho thấy đây không hoàn toàn là một sản phẩm hướng đến khả năng nghe nhạc di động.
Một điểm nữa cần nói đến, đó chính là phần headpad. Headpad này được làm bằng một vật liệu giả da khá mịn và êm ái. Tuy nhiên cách xử lý viền da của Grado lại chưa tốt, khiến cho phần viền này có thể hơi cấn nếu ta để tai nghe xuống cổ.
Nhìn chung, Grado SR80e cho cảm giác sử dụng khá thoả mái, nghe nhạc lâu không bị đau tai và thích hợp để nghe nhạc trong nhà.
Chất âm
Trước khi nói đến chất âm, hãy cùng điểm qua một vài thông số kỹ thuật của sản phẩm này:
Loại driver: Dynamic Dạng thiết kế: Mở Dải tần đáp : 20 - 20,000 hz Độ nhạy: 99.8 dB Trở kháng: 32 Ohms |
Do trở kháng của tai nghe không quá cao nên hoàn toàn có thể được “kéo” bằng những thiết bị phát thông thường. Trong bài, người viết sử dụng điện thoại iPhone 5s và máy tính là Macbook Air, đây đều là những thiết bị phổ thông và được đánh giá là có chất âm trung tính. Chiếc tai nghe đã được burn-in trong khoảng 100 tiếng, nguồn nhạc sử dụng ở định dạng m4a hoặc mp3 320kps.
Quả thực SR80e không hổ danh là một sản phẩm của nhà Grado. Trái với vẻ ngoài mộc mạc và có phần thô kệch, SR80e phát ra một thứ âm thanh tổng thể tròn, ngọt và ấm áp.
Nổi bật nhất trên 80e có lẽ là dải mid. Chẳng hạn như giọng Quang Dũng trong Đêm thấy ta là thác đổ được phát lên một cách trầm hùng mà cũng không kém phần da diết, cảm giác như ca sỹ đứng hát khá gần, những quãng lấy hơi cho đến lúc ngân nga đều được tái hiện rõ rệt đến kinh ngạc. Đây có thể là kết quả của bộ driver mới mà Grado đã thay thế so với bản SR80 trước đó. Khá ấn tượng với giọng nam trầm, người viết cho SR80e thử sức với một giọng nữ khác là Lê Cát Trọng Lý. Vẫn cực kỳ ấn tượng về độ chi tiết và khả năng kiểm soát, những khúc lên cao, giọng nữ ca sỹ này vẫn không hề bị chói gắt. Tuy nhiên, có một điều khiến dải mid chưa được hoàn hảo, đó là giọng nữ có phần hơi khô, thiếu những nét màu mè cần thiết để tổng thể bài hát được dễ nghe và cuốn hút hơn. Có thể sẽ cần burn-in nhiều hơn, nhưng tổng thể dải mid của SR80e thực sự khá tuyệt vời, thích hợp với những ai thích nghe thể loại nhạc jazz vocal.
Bên cạnh dải mid tuyệt vời thì Treb và Bass của Grado SR80e cũng không chịu kém cạnh, dù có đôi phần “đuối” hơn.
Với thiết kế dạng Open thì có lẽ những bản EDM hiện đại không phải là đối tượng phù hợp cho chiếc tai nghe này xử lý. Âm trầm bị thoát ra khá nhiều khiến nó không thể xuống sâu và để lại dư âm, tuy nhiên lại được xử lý khá gọn gàng và không bị “có đuôi”. Điều đó khiến cho những bản Dubstep không thể đạt được độ phiêu cần thiết, tuy nhiên với vô tình trở thành hoản hảo cho những bản Trance, House,… nếu người nghe có nhu cầu về nhạc sôi động.
Ở dải cao, có vẻ như Grado đã mài giũa chúng đi một chút khiến những tiếng nhạc cụ không còn leng keng đến lạnh người nữa, thay vào đó là hơi hiền và thiếu lan toả, biểu hiện dễ thấy là tiếng guitar và kèn sáo khá tròn trịa, còn tiếng đập cymbal không tan ra mà có cảm giác như bị giữ lại, điều đó cũng khiến không gian âm nhạc bị giảm đi đáng kể.
Âm trường của SR80e dù không quá rộng, nhưng với thiết kế dạng Open của mình thì nó cũng quá đủ để choáng ngợp người nghe. Cảm giác như chúng ta đang ngồi ngay sát sân khấu và nghe ca sỹ hát, các nhạc cũng cũng được sắp xếp tốt, tuy nhiên người nghe sẽ cần chịu khó lắng nghe một chút để cảm nhận điều này.
Kết luận
Ở mức giá gần 3 triệu đồng thì Grado SR80e không hoàn toàn là chiếc tai nghe giá rẻ. Thiết kế của sản phẩm không dành cho những người thích sự mới mẻ, hiện đại, mà là một chút gì đó hoài cổ và bền bỉ với thời gian.
SR80e cho chất âm tròn gọn, chi tiết tốt, không màu mè nhưng lại có thể nghe lâu và thậm chí gây nghiện. Đây là lựa chọn thích hợp cho những ai thích nghe Rock, Jazz, đôi lúc “chiến” cả giao hưởng hoặc EDM, thích hợp khi nghe tại nhà dù không cần các thiết bị phối ghép phức tạp.
* Cảm ơn SVHouse đã hỗ trợ sản phẩm để chúng tôi thực hiện bài viết này.
Đánh giá NOCS NS500 Aluminum – sự cải tiến âm thanh vượt trội
(Techz.vn) NS500 Aluminum là phiên bản mới nhất và sở hữu những cải tiến mạnh mẽ về cả âm thanh lẫn thiết kế từ chiếc NS400, tuy nhiên giá thành lại nặng đô hơn khá nhiều. Vậy liệu NS500 Aluminum có đáng để bỏ tiền ra để nâng cấp hay không?