Blog công nghệ

Giải mã nguyên nhân thất bại của Stephen Elop

Giải mã nguyên nhân thất bại của Stephen Elop

Clip cùng ôn lại một năm đầy thành công của Microsoft

Cuối cùng thì việc lựa chọn người đứng đầu Microsoft cũng đã ngã ngũ, không phải Alan Mullaly, Stephen Elop, mà là Satya Nadella, một cái tên chẳng mấy ấn tượng, ít nhất là trước khi ông trở thành CEO của tập đoàn công nghệ lớn nhât thế giới này.

Alan Mullaly, CEO đang đương chức của Ford với thành tích kinh doanh khá tốt, được cho là sẽ mang lại một luồng gió mới cho công ty nếu đảm nhận vai trò này, tuy nhiên, sẽ rất khó hoặc phải mất thời gian để một người từ lĩnh vực vận tải chuyển sang tiếp quản một tập đoàn công nghệ lớn, nhất là khi các đối thủ của Micosoft đang vươn lên một cách cực kỳ mạnh mẽ.

Và điều nhiều người thắc mắc nhất, có lẽ là về Steve Elop, một con người cứng rắn và cá tính, từng lãnh đạo một công ty công nghệ hàng đầu và có công lớn trong việc đưa Nokia về với Microsoft lại bị gạt bỏ. Chẳng ai biết nguyên nhân trong nội bộ hãng, nhưng hãy cùng phân tích những điểm bất lợi của Steve Elop, những nguyên nhân có thể đã trực tiếp khiến ông lép vế trước Satya Nadella.

Quá khứ không vẻ vang

Nguyên nhân thất bại của Stephen Elop-image-1391761482851

Không thể không nhắc tới vụ việc Nokia khi nói đến Stephen Elop, ông từng là người của Micorsoft trước khi làm CEO của Nokia . Và bây giờ ai cũng biết, tượng đài một thời Nokia đã về tay Microsoft, thậm chí là với một cái giá khá rẻ mạt. Chưa rõ công hay tội, một tay trong tài ba hay một thuyền trưởng bất tài, nhưng có lẽ người ta nghĩ đên ông nhiều với danh nghĩa là CEO cuối cùng của Nokia, một kẻ thất bại khiến một công ty lừng danh một thời phải bán mình. 

Gia nhập Microsoft vào năm 2008, đến 2010 thì chuyển sang Nokia làm Giám đốc điều hành, không quá khó để nhận ra Stephen Elop đã định hướng Nokia đi theo đường thân thiết với Microsoft. Hãng điện thoại đang thất thế trước làn sóng iPhone và Android bất ngờ tuyên bố từ bỏ nền tảng Symbian cũng như MeeGo để chuyển sang Windows Phone, một nền tảng còn chưa hoàn thiện chứ không phải là Android đầy tiềm năng. Và cuối cùng, sau 3 năm, giá trị cổ phiếu của Nokia đã sụt giảm đến 62% so với thời điểm Stephen Elop lên nắm quyền. Liệu Microsoft có dám để một con người từng mang tiếng “thất bại thảm hại” này lên làm CEO?

Một chuyện ngoài lề nữa cũng ảnh hưởng không nhỏ tới danh tiếng của vị Giám đốc người Canada này, đó là vụ lùm xùm số tiền thưởng 25 triệu USD. Là một phần của thất bại, nhưng sau thương vụ bán mình, Elop lại đòi hỏi quá cao khiến người dân Phần Lan phải tức giận, thậm chí Nokia còn phải đứng ra "xin xỏ" ông mà không được.

Tầm nhìn và định hướng

Nguyên nhân thất bại của Stephen Elop-image-1391761663145

Để củng cố niềm tin với hội đồng quản trị cũng như những người đang kỳ vọng vào tương lại của Microsoft, Stephen Elop từng tiết lộ những kế hoạch đang ấp ủ của mình nếu được làm CEO của hãng, và thật đáng buồn, tầm nhìn của ông lại không “khớp” với ý đồ mà Microsoft muốn.

Cụ thể hơn, việc đầu tiên mà Elop muốn làm chính là đưa bộ ứng dụng văn phòng Office (bao gồm Word, Excel, và PowerPoint) lên nhiều smartphone và tablet của những hãng khác như Google hay Apple. Điều này đã đi ngược lại hoàn toàn chiến lược của Microsoft. Tập đoàn này luôn dùng sức mạnh của bộ ứng dụng Office để thu hút người dùng sử dụng, giúp tăng doanh số máy tính chạy Windows hay điện thoại Windows Phone. Ngược lại, Elop lại cho rằng ngành công nghiệp PC đang gặp khó khăn, và điều ông muốn là đưa bộ 3 ứng dụng này lên iOS hay Android, qua đó đẩy mạnh doanh số bán ra  của Office.

Chưa hết, kế hoạch của Elop cũng bao gồm cả việc bán luôn mảng Xbox và từ bỏ công cụ tìm kiếm Bing. Trên thực tế ý định của Elop được tán thành bởi một số nhà phân tích và đầu tư, mảng Bing không những không mang lại lợi nhuận cao mà còn gây ra tình trạng thua lỗ cho công ty. Về phần Xbox, mặc dù đây là mảng mang lại lợi nhuận không hề nhỏ cho Microsoft, nhưng Elop nói rằng Xbox không phải là một phần trọng điểm trong chiến lược chung của toàn tập đoàn. Trong khi đó, một số nhà phân tích thì chia sẻ rằng Microsoft cần phải tập trung hơn vào mảng doanh nghiệp và dịch vụ, thay vì phân tán nguồn lực cho những mảng không thực sự quan trọng (Xbox và Bing).

Thế nhưng, có vẻ như ý tưởng bán Xbox và Bing của Elop sẽ rất khó thành hiện thực.Thứ nhất đó chính là việc Microsoft đang càng ngày càng muốn đưa Bing vào sâu trong những sản phẩm của họ, bằng chứng là việc tích hợp công cụ tìm kiếm Bing vào sâu trong Windows 8.1. Thứ hai, Xbox One vừa mới ra mắt và chắc chắn, không muốn nghĩ đến viễn cảnh nó sẽ bị khai tử ngay sau khi ra mắt được vài tháng.

Kết

Nguyên nhân thất bại của Stephen Elop-image-1391756918892

 Đây là cách mà Microsoft kiếm tiền, phần lớn đến từ bộ phận khách hàng doanh nghiệp

Như vậy, có thể thấy rõ ông muốn tập trung toàn bộ vào mảng di động, đồng thời loại bỏ những phần thừa thải để cải thiện sức mạnh cho tập đoàn. Và có lẽ, chính định hướng cũng như thể mạnh của Stephen Elop chính là điều đã cản trở ông đến với chiếc ghế CEO của tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới này. Rõ ràng lĩnh vực điện toán đám mây, doanh nghiệp, bộ phận mang lại thu nhập nhiều nhất cho Microsoft lại không được Elop đề cập đến, cũng như chưa từng là thế mạnh của ông, trái ngược hẳn với người được chọn Satya Nadella.

Cuối cùng, kế hoạch của ngài cựu CEO Nokia này không phải không có cơ sở và tầm nhìn. Nếu thành công thì sẽ mở ra một trang mới cho Microsoft, nhưng khả năng cao hơn là không thể cạnh tranh với Apple hay Google, thật khó có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra. Và ít nhất, Microsoft vẫn quá lớn, phát triển một cách an toàn mới là điều họ mong muốn.

Đọc thêm: 6 điều CEO mới của Microsoft cần làm để vực dậy công ty

Lưu Quý