Máy ảnh

Wiko Getaway thử thách selfie cùng ‘siêu phẩm’

 

Có phần khập khiễng khi so sánh một sản phẩm có giá chỉ khoảng 4 triệu đồng với 2 sản phẩm được xếp vào hạng cao cấp với mức giá đều trên 10 triệu. Tuy nhiên nếu chỉ xét về tiêu chí khả năng chụp ảnh tự sướng, Wiko Gateway, Samsung Galaxy Note 4 và HTC Desire Eye là 3 sản phẩm sở hữu những dạng thông số kỹ thuật có thể nói là phổ biến nhất hiện nay.

Trước khi đi vào so sánh chất lượng ảnh chụp, cùng điểm qua đặc tính kỹ thuật cũng như phần mềm mà các nhà sản xuất trang bị trên những sản phẩm này.

Phần cứng, giao diện, trải nghiệp chụp hình

Galaxy Note 4 của Samsung là một trong những sản phẩm đắt giá và mạnh mẽ nhất hiện nay về nhiều mặt, trong đó có camera. Camera trước của Note 4 có độ phân giải chỉ 3,7MP (nhỏ nhất trong bộ 3 này), tuy nhiên ống kính góc rộng, khẩu độ lớn (f1.9), tính năng chụp hình góc rộng bằng cách nghiêng máy; tính năng làm mịn da cũng như việc được cung cấp khả năng chụp hình bằng cách bấm vào cảm biến phía sau, hay ra lệnh giọng nói là những điểm mạnh của sản phẩm này.

Thực tế trong quá trình sử dụng, kích thước lớn và khung viền nhôm là một cản trở nhỏ đối với việc chụp ảnh bằng camera trước. Cầm ngang máy bằng một tay và bấm nút chụp có thể gây khó khăn cho những người có bàn tay nhỏ, thậm chí có thể dẫn đến việc vô tình làm rớt máy. Samsung cũng khá cẩn thận khi hỗ trợ người dùng chụp bằng cách ra lệnh giọng nói hay chạm vào cảm biến phía sau máy, tuy nhiên việc ra lệnh bằng giọng nói không hề đơn giản nếu bạn có giọng nói tiếng Anh chưa chuẩn, còn việc chạm vào cảm biến cũng chỉ tiện dụng khi cầm máy theo chiều dọc để “selfie” với số lượng người nhỏ.

Giao diện chụp hình với camera trước của Galaxy Note 4 khá đơn giản và các tính năng ở mức đủ dùng, dễ dàng chọn lựa và thay đổi nhanh. Người dùng có thể điều chỉnh “độ làm mịn da” với 8 mức, thay đổi thời gian hẹn giờ chụp hay chọn lựa một vài bộ lọc màu để bức ảnh trở nên độc đáo hơn.

Trái ngược với Samsung Galaxy Note 4, Desire Eye của HTC lại có camera với “số chấm” lớn và các trang bị phần cứng mạnh mẽ, đặc biệt là cụm đèn flash kép 2 màu. Nhà sản xuất cũng gần như đi ngược lại xu thế chung khi coi camera trước mới là camera chính và hỗ trợ đầy đủ các tùy chỉnh như chỉnh giá trị phơi sáng, cân bằng trắng, hẹn giờ,….

Việc trang bị tính năng đầy đủ cho camera trước có thể là một ưu điểm của Desire Eye so với các sản phẩm khác trên thị trường, tuy nhiên với nhu cầu chụp ảnh cơ bản thì điều này không hoàn toàn được đánh giá cao.

Các thông số về EV hay AWB mà chúng ta thấy trên màn hình không phải ai cũng nắm được và làm chủ chúng, và khi chụp ảnh “tự sướng” thì lại càng ít dùng tới. Các nút điều chỉnh này được đặt hết ra màn hình tưởng như rất tiện dụng, nhưng vô tình chúng lại chiếm một phần không nhỏ trong không gian hiển thị, khiến giao diện chụp ảnh của Desire Eye có phần hơi rối mắt, trong khi một nút quan trọng hơn là nút chuyển camera thì lại không có, người dùng sẽ mất 2 thao tác để chuyển từ camera sau sang camera trước. Ngoài ra, chế độ mặc định yêu cầu người dùng phải xem lại ảnh vừa chụp khiến cho chúng ta mất nhiều thao tác hơn và dễ để trôi mất khoảnh khắc.

Ngoài ra, có một vài tính năng khá hay của Desire Eye mà ít sản phẩm nào có được, đó chính là đèn flash có thể điều chỉnh nháy sáng hoặc luôn bật để soi rõ mặt người và giúp lấy nét nhanh hơn, chế độ mở chụp đồng thời cả 2 camera, ghép 4 ảnh vào 1 khung hình hay các trình chỉnh sửa, ghép mặt,… có sẵn trong bộ công cụ Eye Experience.

So với 2 sản phẩm kể trên, đại diện đến từ Wiko có thông số camera ở mức khá phổ thông đối với một sản phẩm chuyên dụng cho tự sướng hiện nay, với độ phân giải 5MP ở phía trước, 13MP phía sau, và thậm chí là lớn hơn hầu hết những sản phẩm trong tầm giá 4 triệu khác.

Wiko Gateway sử dụng giao diện camera gốc của hệ điều hành Android, nhưng được bổ sung thêm các tùy chỉnh tập trung vào khuôn mặt của đối tượng chụp, đúng như tiêu chí ‘Selfie là phải Chất’ mà nhà sản xuất đến từ Pháp này đưa ra.

Khi mới mở camera của máy, người dùng có thể hơi bất ngờ vì giao diện đơn giản và có phần thiếu thốn, tuy nhiên hầu hết mọi tùy chỉnh về thông số ảnh đều được đặt trong nút Setting ở góc màn hình, điều này có lẽ sẽ quen thuộc hơn với những người từng sử dụng các sản phẩm sử dụng giao diện Android gốc. Và tương tự 2 sản phẩm cao cấp kể trên, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể điều chỉnh giá trị phơi sáng, cân bằng trắng, hẹn giờ, bộ lọc màu,… đối với camera này ở bên trong mục cài đặt.

Điểm nhấn trên sản phẩm có mức giá chỉ dưới 4 triệu này chính là tính năng căn chỉnh lại đối tượng theo thời gian thực, nghĩa là chúng ta có thể “phẫu thuật thẩm mỹ” cho khuôn mặt đến khi hài lòng rồi mới bấm máy, thay vì chụp một bức ảnh bình thường sau đó mới chỉnh sửa bằng các apps. Ngoài khả năng làm mịn da như những sản phẩm khác, người dùng có thể kéo mắt, bóp má,… khiến bức ảnh trở nên “chất” hơn nữa.

Thực tế sử dụng, Wiko Gateway mang đến cảm giác chụp khá, viền kim loại được hoàn thiện tốt nên có phần hơi trơn, người dùng vẫn có thể cầm ngang máy bằng một tay và bấm chụp liên tiếp, giao diện gốc của camera mượt mà nhưng có thể sẽ hơi đơn điệu đối với một bộ phận người dùng.