Uber có lẽ đang là một trong những chủ đề nóng và gây tranh luận nhiều nhất hiện nay, về tính pháp lý cũng như những lợi ích mà nó mang lại. Dịch vụ chia sẻ, “đi nhờ” xe này hoạt dựa trên một ứng dụng smartphone, giúp kết nối người cần di chuyển và tài xế. Tính đến tháng 8/2014, Uber đã có ở 45 quốc gia và hơn 200 thành phố trên thế giới, có giá trị 18,2 tỷ USD.
Uber giúp người sử dụng và tài xế dễ dàng tương tác với nhau qua ứng dụng trên smartphone. Ảnh: Reuters
Những xe tham gia sử dụng Uber không có biển hiệu taxi, thậm chí là có sự xuất hiện của những chiếc xe siêu sang. Và do việc tính tiền dựa trên thông tin vị trí trên ứng dụng chứ không giống như những hãng taxi phổ thông hiện nay, Uber bị các nhà chức trách coi như một “dịch vụ đen”, và thường không nhận được sự đồng tình từ phía chính quyền cũng như sự phản đối mạnh mẽ từ dịch vụ taxi truyền thống.
Không chỉ gặp khó khăn khi xâm nhập thị trường Việt Nam, Uber thậm chí còn bị cấm tại nhiều nước phát triển trên thế giới với những lý do cũng rất khác nhau.
Tại Ấn Độ, rắc rối của Uber đến từ việc cho phép thanh toán qua thẻ tín dụng, sau khi bị các tài xế taxi tại đây phản đối vì vi phạm luật thanh toán do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) ban hành. Theo RBI, mọi thanh toán qua thẻ tín dụng phải xác thực hai bước. RBI cho rằng Uber phạm luật và ra hạn chót 30/11 để công ty tuân thủ các quy định.
Đáp lại phán quyết trên, Uber đã kết hợp với hãng ví điện tử Paytm nhằm giúp cho bất kỳ ai sử dụng hệ thống này sẽ không cần trực tiếp dùng thẻ tín dụng nữa. Hãng cũng đề nghị gia hạn 45 ngày để có thời gian nâng cấp xe hơi, xử lý xác thực hai bước.
Còn tại Thái Lan, cơ quan quản lý taxi Thái Lan tuyên bố hoạt động của Uber tại nước này là hoàn toàn bất hợp pháp. Theo đó, Uber phi pháp vì các lý do: xe Uber đăng ký không đúng quy định, tài xế không được cấp phép, cước phí nằm ngoài quy định, và phân biệt đối xử đối với các hành khách không có thẻ tín dụng.
Các lái xe Uber có thể bị cảnh sát Thái Lan phạt 2.000 baht vì sử dụng sai phương tiện vận chuyển, phạt 1.000 baht vì phí taxi không đúng như quy định và 1.000 baht vì không có giấy phép lái xe vận tải công cộng, tổng số tiền phạt này có thể lên tới 4.000 baht (2,7 triệu đồng).
Ngoài ra, nhà chức trách Thái Lan cũng đề cập đến những lo ngại về sự an toàn khi người dân sử dụng dịch vụ Uber, bởi vì Uber không đăng ký trong cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý.
Uber bị phản đối tại nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Internet
Không chỉ tại Thái Lan và Việt Nam, nhiều nước Đông Nam Á khác cũng chưa hoàn toàn ủng hộ Uber và đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt cho dịch vụ này. Indonesia đã đặt ra nhiều vấn đề về phương thức thanh toán cước phí của Uber. Còn Cục Giao thông đường bộ của Malaysia khuyến cáo người dùng sẽ không được hưởng bảo hiểm nếu xảy ra tai nạn. Ngoài ra, cả 2 nước này đều đe dọa sẽ giam giữ lái xe Uber nếu họ không có giấy phép lái xe. Singapore thì tuyên bố sẽ đưa ra những điều luật mới nhằm quản lý các ứng dụng đặt chỗ taxi của bên thứ ba, bao gồm cả Uber và GrabTaxi.
Không chỉ vậy, tại những nước phát triển ở châu Âu hay tại chính quê hương của mình là nước Mỹ, Uber cũng gặp phải sự phản đối và ngăn cấm quyết liệt, và bị điều tra gay gắt bởi chính quyền do áp lực từ phía các hãng taxi nội địa.
Cuối tháng 11/2014, Uber vừa phải tạm dừng hoạt động tại bang Nevada (Mỹ) theo phán quyết của một tòa án khu vực. Lí do của lệnh cấm này là Uber không tuân thủ các quy tắc hoạt động của các hãng taxi trong bang. Eva Behrend, phát ngôn viên của Uber cho biết hãng đang làm việc với các nhà chức trách để khắc phục vấn đề.
Tại Đức hồi tháng 9/2014, Uber từng đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động trên toàn bộ lãnh thổ nước này song đã phúc thẩm thành công. Tuy nhiên, công ty Mỹ không thoát khỏi việc bị cấm tại 2 trong số các thành phố lớn nhất nước Đức là Humburg và Berlin do không tuân thủ luật chuyên chở hành khách. Tòa án Berlin và Hamburg cho rằng tài xế Uber thiếu giấy phép hành nghề, lệnh cấm này cũng nhằm bảo vệ sự tồn tại và chức năng của dịch vụ taxi truyền thống vốn đóng vai trò quan trọng với công chúng.
Tại Pháp, Uber vẫn công bố dịch vụ mặc dù tòa án đã có lệnh cấm. Đến ngày 12/12 tới đây, Pháp sẽ quyết định dịch vụ Uberpop của Uber có được hoạt động tại nước này hay không.
Ở Việt Nam, Uber cũng đã có một thời gian hoạt động thử nghiệm ở TP. Hồ Chí Minh và đang nhen nhóm ra nhiều thành phố khác. Nhiều quan chức tại nước ta ủng hộ dịch vụ này vì mức giá rẻ, có lợi cho dân, tuy nhiên xét theo quy định của pháp luật, Uber đang họat động trái luật và cần bị cấm trước khi có một quy định rõ ràng hơn về cách thức hoạt động của loại hình taxi này.