Thiết bị công nghệ

Những sáng chế công nghệ kỳ cục nhất năm 2013

Bút vẽ mạch điện cũng là một ý tưởng táo báo, nhưng có ý nghĩa thực tiễn cao

Mỗi năm, các hãng công nghệ lại gửi đơn xin hoặc được cấp bằng sáng chế cho hàng trăm phát minh mới và nhiều trong số đó khá ngộ nghĩnh, lạ tai.

Xăm microphone lên cổ họng

-image-1388112309519

Motorola, hiện thuộc Google, xin Ủy ban thương mại Mỹ cấp bản quyền cho sáng chế "hình xăm điện tử ở cổ" đóng vai trò như một chiếc microphone. Do được dán ngay trên cổ họng, microphone này sẽ nhận diện được các rung động âm thanh của người dùng khi nói chuyện, nhờ đó loại bỏ được các tạp âm gây nhiễu hoặc có khả năng phát hiện nói dối. Hình xăm sẽ tương tác với các thiết bị di động qua kết nối Bluetooth. Hiện chưa có thông tin gì về việc Motorola có đem áp dụng công nghệ này vào thực tế hay không.

Bộ tóc giả thông minh

-image-1388112320207

Khi nói đến thiết bị di động đeo trên người, người ta thường nghĩ tới kính, đồng hồ, vòng tay thông minh, còn Sony lại nghĩ đến... bộ tóc giả. Smart Wig (tóc giả thông minh) là thiết bị bao gồm một hệ thống GPS, camera, cảm biến rung... để theo dõi chuyển động của đầu. Nó có thể kết nối với smartphone, máy tính và hỗ trợ người sử dụng khi thuyết trình, như chỉ cần nheo mắt là máy tính sẽ chuyển sang slide tiếp theo. Hoặc Smart Wig giúp phân tích sóng não, huyết áp, nhiệt độ... để thường xuyên cập nhật về sức khỏe.

Trả tiền quảng cáo theo số lần nhìn

-image-1388112333217

Google cho rằng cách tính chi phí quảng cáo trực tuyến hiện nay chưa hiệu quả bởi nhà quảng cáo không thể biết người truy cập một website có liếc mắt nhìn banner của họ hay không, hoặc có thì nhìn bao nhiêu lần. Vào tháng 8/2013, Google được cấp bản quyền cho mô hình quảng cáo "pay-per-gaze" (trả theo số lần nhìn). Bằng sáng chế mô tả một thiết bị đeo trên đầu (như Google Glass) có khả năng nhận biết người dùng đang theo dõi quảng cáo nào, với thời gian bao lâu và hình ảnh nào thu hút họ nhất. Thậm chí, Google còn đề cập đến phương án "pay-per-emotion" (trả tiền theo cảm xúc), trong đó hệ thống tính toán liệu mắt người có mở to hơn khi xem quảng cáo bởi sự co giãn đồng tử có liên quan đến các trạng thái cảm xúc như quan tâm, ngạc nhiên, tò mò...

Áo ngực thông minh

-image-1388112344529

Trong khi Sony quan tâm đến tóc giả thì Microsoft lại chú ý tới áo ngực của chị em. Một cảm biến được đặt trong áo để đo trạng thái cảm xúc cũng như xác định xem người mặc có đang ăn quá đà hay không vì phụ nữ có xu hướng ăn nhiều mỗi khi căng thẳng, buồn bã. Cảm biến sẽ phát tín hiệu cảnh báo để khuyến cáo người sử dụng tránh xa tủ lạnh, các cửa hàng đồ ăn nhanh... Microsoft cho hay họ sẽ tìm ra giải pháp để ý tưởng này phù hợp với cả nam và nữ.

Mời đọc thêm: 5 điện thoại dở nhất 2013

Theo: Số hóa