Doanh nghiệp

Sẽ ra sao nếu BlackBerry chịu bán mình cho Samsung?

Sau khi Reuters bất ngờ đăng tải thông tin về việc bàn bạc mua bán giữa BlackBerry và Samsung gây xôn xao giới công nghệ trên toàn thế giới, BlackBerry và Samsung cũng đã chính thức lên tiếng phủ nhận, chấm dứt mọi tin đồn xung quanh.

Thương vụ “hờ” đình đám mở màn cho năm 2015 diễn ra và chấm dứt chóng vánh trong đúng một này, thế nhưng nó lại không hề vô giá trị. Điều đọng lại không chỉ là giá trị cổ phiếu của BlackBerry hết tăng 30% lại giảm 15%, mà nó còn thể hiện thái độ của phố Wall và những người xung quanh khi hình dung ra viễn cảnh: Samsung và BlackBerry về chung một nhà.

Ngày hôm qua, BlackBerry chỉ phủ nhận việc gặp gỡ với Samsung chứ không dứt khoát phủ nhận việc có thể “bán mình”, nhà sản xuất Hàn Quốc cũng không ít lần thể hiện mong muốn sở hữu hãng điện thoại Canada. Vậy, vì đâu mà Samsung lại muốn mua lại “con tàu sắp đắm” BlackBerry, và sẽ ra sao nếu thương vụ này trở thành sự thật?

Toan tính của Samsung

Nhiều người có thể sẽ nghĩ ngay đến các bằng sáng chế mà BlackBerry đang sở hữu. Doanh nghiệp này dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng họ vẫn có rất nhiều thứ giá trị: kho bằng sáng chế khổng lồ, nển tảng di động mạnh mẽ cùng phong cách thiết kế phần cứng ấn tượng. Tuy nhiên, thứ đáng giá nhất của BlackBerry đối với Samsung có lẽ chỉ có một: Đó chính là bảo mật.

Ở thị trường điện tử dân dụng, Samsung hay Apple đang là số 1, nhưng ở thị trường doanh nghiệp, họ chẳng là gì so với BlackBerry, tất cả là vì bảo mật. Hồi tháng Mười năm ngoái, Samsung từng có hợp tác với BlackBerry nhằm tích hợp BlackBerry Enterprise Server 12 vào nền tảng bảo mật KNOX của hãng, tuy nhiên điều này chẳng thể cải thiện cái nhìn của các doanh nghiệp hay Chính phủ về độ an toàn của Samsung khi mà hệ điều hành Android vẫn bị đánh giá thấp nhất về bảo mật trên thiết bị di động.

Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của họ là Apple thể hiện rất rõ ý định cũng như đã có định hướng để tấn công vào thị trường doanh nghiệp. Thế nhưng những bê bối gần đây liên quan đến vụ tấn công tài khoản iCloud của các ngôi sao điện ảnh đã khiến những cố gắng của họ phải làm lại từ đầu. Ngược lại, vụ việc hacker tấn công Sony Pictures vừa qua lại vô tình “nâng giá” cho BlackBerry, khi những chiếc BlackBerry cũ là cứu cánh duy nhất cho nhân viên của đơn vị này sử dụng trong cơn bão tấn công mạng. Rõ ràng nếu có thể sở hữu sớm BlackBerry, Samsung sẽ rộng cửa nhảy vào thị trường doanh nghiệp khi mà các đối thủ khác còn đang loay hoay cho bài toán bảo mật.

BlackBerry được nhiều hơn mất

Còn với BlackBerry, mặc dù John Chen và các công sự đã có một năm thành công khi giúp công ty “bớt thua lỗ”, những sản phẩm mới như Passport và Classic được đánh giá cao, thế nhưng ngày trở lại của BlackBerry vẫn còn khá xa. Với một cái nhìn khách quan, họ vẫn đang ở thế "chẳng còn gì để mất". Hiện nay, các thương hiệu khác đã có chỗ đứng nhất định, nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang bứt phá để vươn lên, còn hệ điều hành BB 10 vẫn bộc lộ nhiều hạn chế về mặt trải nghiệm so với iOS và Android. Thế nên nếu bán mình cho Samsung, BlackBerry có thể sẽ được nhiều hơn mất.

Nếu thương vụ này diễn ra, điều mà người hâm mộ Dâu Đen lo lắng nhất có lẽ là sợ BlackBerry sẽ đánh mất mình, bị Samsung “đồng hoá” và tạo ra những sản phẩm lai tạp, thiếu cá tính trong cả thiết kế lẫn tính năng. Tuy nhiên khả năng này có thể sẽ rất thấp.

Samsung đủ khôn ngoan để hiểu được những giá trị mà thương hiệu Canda đang có. Các sản phẩm Samsung và BlackBerry đang đi theo những hướng rất khác nhau, Samsung thì trẻ trung, đơn giản, còn BlackBerry thì lạ lẫm, cổ quái, nhưng tất cả đều có những đối tượng khách hàng trung thành khác nhau. Vậy nên Samsung sẽ chẳng phải mất công tạo ra một thứ lai tạp và mạo hiểm với sự lai tạp này, thay vào đó họ sẽ phát triển thương hiệu BlackBerry lên một tầm cao mới bằng sức mạnh truyền thông đã được chứng mình từ nhiều năm nay.

Tạm kết

Dẫu sao đó cũng chỉ là những mường tượng cho tương lai của Samsung và BlackBerry khi thương vụ “hờ” nói trên trở thành sự thật.

Samsung hiện vẫn đang có kế hoạch riêng cho mình, chẳng hạn như nền tảng Tizen hay việc tập trung cải thiện dòng Galaxy A, Galaxy Note. Lợi nhuận bất ngờ “âm” sau 3 năm liên tục tăng trưởng cũng là điều mà họ cần khắc phục hơn là tính đến việc bỏ ra 7,5 tỷ USD mua lại BlackBerry cho mục đích tấn công thị trường mới. Trong khi đó, BlackBerry vốn là “kẻ cứng đầu”, nhất là khi tình hình phát triển đang có những dấu hiệu khả quan, John Chen chắc sẽ chưa vội bán mình cho doanh nghiệp khác.

Và nếu BlackBerry về cùng nhà với Samsung, người lo ngại nhất có lẽ là Google. Nhà sản xuất thiết bị chạy Android lớn nhất hiện nay cũng đang manh nha một nền tảng mới là để tránh phụ thuộc vào họ, đó là Tizen. Nếu Samsung tập trung để kết hợp BB10 với Tizen thì có lẽ thị phần về hệ điều hành cũng như các dịch vụ trên di động của Google sẽ sụt giảm thê thảm.

 

Tương lai nào cho Sony nếu cắt giảm mảng smartphone?

(Techz.vn) Trong tình huống xấu nhất và Sony phải bán đi mảng smartphone, như cách họ từng làm với máy tính Vaio, liệu rằng doanh nghiệp này có thể tồn tại?