Cả Xiaomi và Facebook đều là những công ty hàng đầu hiện nay và đặc biệt có sức phát triển cực kỳ đáng nể. Hồi tháng 10 năm ngoái, 2 lãnh đạo của 2 công ty này đã gặp nhau trong một cuộc gặp riêng tư tại Bắc Kinh trước đợt huy động vốn cuối năm của Xiaomi. Tuy nhiên chưa có một thỏa thuận chính thức nào được đưa ra. CEO Mark Zuckerberg và CEO Lei Jun có thể đều đang cân nhắc những hệ lụy liên quan đến vấn đề thương mại và chính trị, khi mà Facebook vẫn bị cấm tại Trung Quốc từ năm 2009.
Dễ thấy cả hai doanh nghiệp đều sẽ có những lợi ích không nhỏ từ việc hợp tác bắt tay này. Nếu thành công, Facebook coi như đã đặt một chân vào thị trường 1,3 tỷ dân vốn cực kỳ tiềm năng. Trong khi đó, một công ty Trung Hoa đang rất cần cải thiện hình ảnh như Xiaomi sẽ được nâng tầm khi kết hợp với mạng xã hội lớn nhất hành tinh, một bước tiến lớn trong tham vọng vươn tầm thế giới của doanh nghiệp này. Thế nên, cả Facebook và Xiaomi đều rất mong đợi vào cuộc hợp tác nói trên.
Hồi tháng 12/2014, Xiaomi công bố đã huy động được 1,1 tỷ USD từ các nhà đầu tư bao gồm quỹ đầu tư công nghệ All Stars Investment có trụ sở ở Hồng Kông; DST Global - một công ty đầu tư vốn đã đầu tư vào Facebook; tập đoàn Alibaba; quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore; quỹ Hopu Management của Trung Quốc và công ty vốn Yunfeng Capital của ông Jack Ma, người sáng lập tập đoàn Alibaba. Đợt huy động vốn đã nâng giá trị thị trường của Xiaomi lên con số 45 tỷ USD, một kết quả ấn tượng chỉ 3 năm sau khi công ty này bán ra sản phẩm điện thoại đầu tiên.
Tuy nhiên, Xiaomi vẫn còn nhiều e ngại khi có ý định hợp tác với Facebook, không chỉ về vấn đề chính trị trong nước, điều này có thể sẽ kéo theo cả mối quan hệ giữa họ và Google đi xuống. Google là đối tác cung cấp hệ điều hành chính cho Xiaomi trong thành công của năm 2014 vừa qua, tuy nhiên ở một vài khía cạnh, họ cũng là một đối thủ lớn của Facebook.