Kiến thức nhiếp ảnh

Những lưu ý khi chụp hình bằng điện thoại có camera góc rộng

Những lưu ý khi chụp hình bằng điện thoại có camera góc rộng

Sau khoảng thời gian dài đi theo xu hướng camera tele và chụp ảnh “xoá phông”, một số hãng điện thoại đã bắt đầu chuyển hướng sang việc trang bị thêm 1 camera góc rộng để kết hợp cùng 1 camera thường và 1 camera chụp chân dung. Trước đó, LG hay Asus từng có những sản phẩm mở đầu cho trào lưu này nhưng không tạo được nhiều ấn tượng. Sự góp mặt của 2 ông lớn Huawei và Samsung thời gian vừa qua được kỳ vọng sẽ tạo được thói quen cho người dùng sử dụng và khuyến khích các hãng khác trang bị thêm camera góc rộng - một trang bị rất hữu ích để có được những bức ảnh với góc nhìn lạ, bao quát và đầy đủ.

Tuy vậy, việc ống kính có góc nhìn rộng trên điện thoại cũng sẽ gây ra những bỡ ngỡ và khó khăn nhất định với người mới làm quen. Dưới đây là một số lưu ý để việc chụp ảnh với camera điện thoại góc rộng trở nên vui vẻ hơn.

Cẩn thận “dính" ngón tay

Khác với ống kính góc rộng trên máy ảnh, ống góc rộng của điện thoại vẫn tương tự như các ống kính khác: đều nằm ngay trên thân máy. Ngoài ra với việc trang bị thêm 1 ống kính thì cụm camera cũng lớn hơn, chiếm nhiều diện tích ở mặt sau hơn. Khi chụp bằng camera này, đôi khi bạn sẽ không để ý là ngón tay của mình đang ở gần hoặc thậm chí là đè hẳn lên cụm camera.

Với camera góc rộng thì những bức hình "dính" ngón tay thế này không phải là hiếm.

Với đặc tính của mình, camera góc rộng cũng thu được rất nhiều đối tượng xung quanh và rất có thể trong đó có cả ...ngón tay của bạn. Chính vì vậy hãy lưu ý đến vấn đề này trong mỗi lần chụp. Và tốt nhất là hãy tập làm quen, tìm cho mình một tư thế cầm máy chuẩn nhất và luyện tập với tư thế đó, sẽ không lo bị “dính" ngón tay nữa.

Kiểm soát độ “méo hình”

Vẫn là một khung hình như vậy nhưng lại thu được góc rộng hơn, nhiều đối tượng hơn, điều tất yếu là những đối tượng trong đó sẽ phải bị “bóp méo" cho vừa. Với các ống kính góc rộng trên điện thoại hiện nay, phần bị méo nhất thường ở rìa (4 cạnh và 4 góc); phần trung tâm của khung hình vẫn có độ cong nhưng không nhiều.

Vì sự biến dạng này, các đối tượng ở rìa thường bị kéo dài, biến dạng. Chính vì vậy hãy hạn chế sắp xếp những đối tượng như người, vật,... ở khu vực đó. Ngoài ra với những đối tượng cần sự chính xác cao về hình dạng, bạn cũng hạn chế sử dụng ống kính này.

Canh bố cục

Chúng ta đã chụp ảnh bằng ống kính góc “thường” rất lâu rồi nên có thể hình thành nên phản xạ canh bố cục chuẩn cho khung hình. Tuy nhiên khi chuyển sang dùng góc rộng, sẽ có thêm rất nhiều đối tượng có thể xuất hiện trong khung hình, góc nhìn cũng khác lạ khiến cho việc căn bố cục trở nên khó khăn hơn đôi chút.

Góc rộng có thể thu cả những chi tiết ngoài ý muốn.

Việc này chỉ có thể khắc phục bằng cách chụp nhiều, nhìn nhiều cho quen mắt, đồng thời áp dụng các nguyên tắc chuẩn trong chụp hình (chẳng hạn nguyên tắc ⅓) để luôn có những bức hình góc rộng chuẩn nhất bằng điện thoại.

Tiến sát đến chủ thể hơn

Nếu như ống kính tele giúp “kéo" chủ thể lại gần máy hơn, thì ống kính góc rộng ngược lại. Nhìn khung cảnh qua ống góc rộng sẽ có cảm giác xa hơn. Điều này rất dễ khiến cho bức ảnh trở nên nhạt nhoà, không có chủ thể rõ ràng nếu chúng ta vẫn giữ thói quen chụp trước đây.

Bức hình nhìn thiếu điểm nhấn nếu như người cầm máy vẫn giữ thói quen đứng từ xa chụp.

Với lợi thế điện thoại nhỏ gọn và dễ di chuyển, bạn hãy cầm chiếc máy của mình tiến sát đối tượng nhất có thể và chụp. Bức ảnh khi tiến sát không chỉ giúp thể hiện rõ chủ thể cần chụp, mà còn tạo nên những hiệu ứng thú vị nữa.

 

Sự khác biệt giữa camera góc rộng và góc thường trên Galaxy A7 (2018)

(Techz.vn) Sở hữu góc rộng lên đến 120 độ - Galaxy A7 (2018) thừa sức để mang đến cho bạn những góc hình siêu rộng đầy ấn tượng và mê hoặc.