Nhịp sống số

Tại sao Tim Cook công khai giới tính thực?

Ngay sau khi công bố giới tính của mình, Tim Cook cũng ra thông cáo cho biết cổ phiếu của Apple không hề có sự thay đổi. Và có thể thấy, các cổ đông ở Apple quan tâm nhiều hơn đến việc ông làm gì để kinh doanh hiệu quả hơn là chuyện giới tính của CEO. Tim Cook cũng trở thành vị CEO đầu tiên trong danh sách 500 CEO hàng đầu của tạp chí Fortune công bố điều này. Đầu năm nay, có 2 vị CEO khác của hai công ty nhỏ cũng có tuyên bố tương tự.

"Từ lâu, tôi đã cởi mở với nhiều người về giới tính của mình. Nhiều đồng nghiệp tại Apple biết tôi là gay, và điều đó chẳng tạo ra sự khác biệt nào trong cách họ cư xử với tôi", ông nói. Tuy vậy, có lẽ vẫn có một chút nghi ngại, bất đồng nào đó khiến cho CEO của một công ty vốn đi đầu trong việc chống phân biệt giới tính, nhưng lại chưa công khai tuyên bố về giới tính của mình mãi cho tới hôm nay.

Tuy không nói ra nhưng có lẽ cũng giống như nhiều người đồng tính khác hiện nay, các vấn đề riêng tư đã kìm nén Cook khá lâu. Cuối cùng vượt lên mọi nghi ngại, ông vẫn chính thức công khai điều đó bởi ông hiểu quyết định của mình có thể sẽ tác động và giúp đỡ phần nào cho người khác. "Tôi không xem mình là một nhà hoạt động xã hôi, nhưng tôi nhận ra rằng mình đã nhận được rất nhiều từ sự hy sinh của người khác. Vì vậy, với việc công khai giới tính của mình, tôi mong có thể giúp đỡ được một người nào đó vẫn đang phải vật lộn với định kiến xã hội, hoặc đơn giản nó mang lại sự thoải mái cho bất kì ai cảm thấy mình cô đơn hay truyền cảm hứng tới cho tất cả mọi người về quyền bình đẳng của họ".

Không những vậy, lời nói cởi mở của Cook cho thấy Apple đang đa dạng hóa nguồn nhân lực trong một cuộc chiến tranh giành nhân tài không bao giờ kết thúc tại thung lũng Silicon. Và nó có thể sẽ khiến việc điều hành của Cook tại Apple được hiệu quả hơn khi không còn khúc mắc nào trong tâm trí, đặc biệt là về vấn đề giới tính. Sau công bố này, Apple có thể sẽ trở thành một trong những nơi làm việc lý tưởng nhất, một không gian thoải mái và gẫn gũi, nơi mà các thành viên của cộng đồng LGBT cảm thấy hòa đồng nhất để thể hiện bản thân một cách cởi mở và thành công hơn. Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây đã cho thấy người Mỹ đang trở nên mở lòng hơn với vấn đề hôn nhân đồng tính, nhưng định hướng giới tính tại nơi làm việc vẫn còn đang là một vấn đề.

Điều mà các nhà đầu tư quan tâm là cách mà ông quản lý công ty chứ không phải là vấn đề giới tính.

Như tạp chí danh tiếng Harvard Business Review đã viết, mặc những lo ngại về dư luận hay những điều trái ngược, nói ra bí mật tại nơi làm việc thực sự mang đến những thuận lợi lớn – đơn cử như các nhân viên có thể tập trung làm tốt công việc, và không cần phải quan tâm "kiểm soát" vấn đề giới tính của họ. Tại Mỹ hiện nay, có tới 29 bang, nơi mà các công ty có quyền sa thải nhân viên chỉ vì họ là gay.

Quyết định của Tim Cook đang nhận được những bình luận tích cực đến từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà đầu tư lớn ở phố Wall và thậm chí là fan hâm mộ của Táo khuyết trên khắp thế giới. Việc làm của ông được xem là có thể truyền cảm hứng cho những giám đốc điều hành khác, dám dũng cảm để thực hiện điều tương tự. Tuy nhiên, Cook đã và đang phải đối mặt với những rủi ro đến từ quyết định đáng chú ý này, chẳng hạn như việc có thể bị một số khách hàng và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại thị trường nước ngoài xa lánh.

LQ (tổng hợp)

 

Tim Cook công khai là gay: 'Đó là món quà tuyệt vời!'

Hôm nay 30/10, lần đầu tiên, CEO của Apple, Tim Cook công khai thừa nhận là người đồng tính.