Thế nhưng, khâu bảo quản này thường bị mọi người chủ quan bỏ qua, đặc biệt là những người “tay chơi” máy ảnh không chuyên. Những tác động từ độ ẩm có thể không ảnh hưởng ngay lập tức đến thiết bị của chúng ta, tuy nhiên nó sẽ làm giảm tuổi thọ của máy và chất lượng hình ảnh thu được không thực sự tối ưu.
Với khí hậu nhiệt đới gió mùa tại Việt Nam, độ ẩm không khí thường ở mức 80-90%, việc dính ẩm đối với các thiết bị là điều khó tránh khỏi. Ẩm thường dẫn đến một hệ quả tất yếu là mốc, nếu bảo quản không kỹ, ẩm mốc không chỉ tác động lên vỏ ngoài của thiết bị, mà còn ảnh hưởng tới cảm biến, các linh kiện điện tử cũng như kết cấu cơ khí của máy và ống kính.
Ống kính bị mốc do độ ẩm quá cao. Ảnh: Internet
Vì vậy, mỗi khi chiếc máy ảnh của chúng ta được “nghỉ ngơi” một thời gian, người dùng ngay lập tức cần có biện pháp chống ẩm cho chúng.
Chống ẩm cho máy ảnh số có nhiều cách khác nhau, từ dân dã cho đến chuyên nghiệp, mỗi cách có những ưu nhược điểm khác nhau và chi phí bỏ ra cũng khác nhau, tùy điều kiện thực tế mà bạn chọn cách làm phù hợp.
Sử dụng ánh nắng / Đèn tia cực tím
Ở những khu vực có độ ẩm không quá cao, việc tắm nắng cũng có thể là đủ để thiết bị chụp của bạn tránh được nấm mốc.
Thời điểm hợp lý để tắm nắng cho thiết bị là vào buổi sáng, (tráng ánh nắng buổi trưa với cường độ mạnh có thể gây bong tróc cao su hoặc nóng chảy linh kiện bên trong).
Bạn nên tháo bỏ các thiết bị gắn trên máy và lens, chẳng hạn như các bộ lọc (filter), hood, đặt riêng từng bộ phận này trên một bề mặt sạch sẽ để tránh bụi. Việc phơi nắng này nên thực hiện trong khoảng 30 phút – 1 tiếng, khoảng 2 – 3 tuần làm một lần.
Sử dụng đèn tia cực tím để khử nấm mốc cho thiết bị. Ảnh: TTND
Ngoài ra, một cách làm khác mà nhiều nhiếp ảnh gia cũng thường áp dụng, đó là lắp đèn tia cực tím trong khu vực để máy. Tia cực tím phát ra từ đây có thể khử nấm mốc và các vi khuẩn.
Cách làm này thường đơn giản, dễ làm và không mất chi phí lớn, tuy nhiên chỉ có thể áp dụng ở những khu vực được đánh giá là khá khô ráo, có độ ẩm khoảng 60 – 70% trở xuống.
Chống ẩm
Nếu khu vực bạn ở thường có mưa hoặc trời nồm ẩm ướt thì phơi nắng là điều không thể thực hiện được. Trong trường hợp này bạn cần phải tìm cách khác để hạn chế tối đa hơi ẩm trong không khí tiếp xúc với máy và phụ kiện.
Một trong những cách chống ẩm mà các thợ ảnh ngày xưa hay dùng đó là sử dụng gạo rang. Gạo được rang thật khô, sau đó bỏ vào túi vải và khâu kín lại, đặt bên cạnh máy ảnh và ống kính.
Cách làm này có lợi thế là khá tự nhiên, không phải sắm thêm thiết bị, nhưng lại mất công rang gạo cũng như thường xuyên phải kiểm tra bao gạo để đảm bạo “độ khô” cần thiết. Một vật liệu khác đôi khi cũng được thay thế, đó là vôi khô, tuy nhiên vôi có khả năng phản ứng hóa học khá mạnh liệt, có thể gây ảnh hưởng không tốt đến thiết bị của chúng ta.
Một lựa chọn tiếp theo mang tính khoa học và có thể đạt hiệu quả cao hơn, đó là sử dụng hạt chống ẩm Silicagel.
Loại hạt này có giá không quá cao (dưới 100.000đ/kg) và có thể mua tại các cửa hàng bán hóa chất. Do là hóa chất chuyên dụng nên khả năng hút ẩm của Silicagel là khá tốt và cũng có thể kiếm tra khá dễ dàng.
“Để chỉ thị tình trạng ngậm hơi nước của silica gel, người ta cho một ít Chlorua Coban vào. Khi còn khô nó sẽ có màu hơi phớt xanh, khi bắt đầu ngậm hơi nước, nó chuyển dần sang màu xanh nhạt, rồi màu hồng, cuối cùng là trắng đục.
Khi Silicagel đã ngậm no nước, ta có thể tái sinh nó bằng cách giữ nó ở nhiệt độ khoảng 110-120 độ C cho tới khi nào nó trở về màu phớt xanh.” Wikipedia.
Hạt silicagel hút ẩm
Hiện nay tại các cửa hàng bán máy ảnh đều có bán loại hộp chống ẩm bằng nhựa trong suốt, bên trong được đặt sẵn túi chứa hạt Silicagel rất thuận tiện cho việc bảo quản tránh ẩm. Có hai loại hộp chống ẩm, một loại chỉ đựng sẵn túi chứa hạt Silicagel, loại khác được nhà sản xuất trang bị thêm một đồng hồ ẩm kế giúp bạn dễ dàng theo dõi độ ẩm và phát hiện tình trạng quá ẩm hoặc quá khô.
Nếu như bạn quá bận rộn và ít có thời gian quan tâm đến độ ẩm trong hộp bảo quản máy ảnh số, có một thiết bị chuyên dụng khác là tủ chống ẩm chạy bằng điện sẽ giúp bạn luôn luôn yên tâm không phải lo về tình trạng ẩm mốc của thiết bị. Tủ chống ẩm có nhiều dung tích khác nhau từ 8 lít tới 400 lít tùy thuộc số lượng thiết bị bạn muốn bảo quản nhiều hay ít. Cấu tạo tủ chống ẩm thường là vỏ bằng kim loại, mặt trước bằng kính, phía bên trong có núm vặn điều chỉnh mức độ ẩm phù hợp và bên ngoài cửa tủ có đồng hồ ẩm kế giúp bạn dễ dàng theo dõi độ ẩm bên trong tủ. Tủ chống ẩm loại 40 lít được xem là phù hợp với đa số nhu cầu của người dùng máy ảnh số, bạn có thể xếp 1 thân máy và từ 2 tới 3 ống kính cỡ vừa vào chiếc tủ này.
Tủ chống ẩm hiện đại và có dung tích khá lớn. Ảnh: Aipo