Thiết bị công nghệ

'Hậu smartphone', đâu sẽ là thiết bị thông minh của tương lai?

'Hậu smartphone', đâu sẽ là thiết bị thông minh của tương lai?

Khoảng một thập niên về trước, khi máy tính để bán với một màn hình CRT cồng kềnh vẫn được coi là thiết bị chính để làm việc, giải trí, còn điện thoại là thiết bị chỉ để nghe gọi, nhắn tin. Thật khó có thể tưởng tượng đến tương lai như hiện nay, một chiếc smartphone với màn hình 5 đến 6-inch, độ phân giải cao, cấu hình mạnh, camera đẹp, có thể đáp ứng mọi nhu cầu giải trí, làm việc, sáng tác,… của người dùng.

Giờ đây, ở thời kỳ được gọi là “hậu PC” này, không chỉ những chiếc máy tính cá nhân mà ngay cả smartphone, tablet cũng đã trở nên quá đỗi phổ biến và bắt đầu có dấu hiệu phát triển chậm lại, dễ thấy qua việc hầu hết các thiết bị mới đều không mang lại sự đột phá lớn, không sản phẩm nào được coi là vượt trội so với sản phẩm nào, không có công nghệ nào được cho là “thay đổi thế giới” như cái thời mà BlackBerry, Nokia hay iPhone đã tạo ra.

Smartphone và tablet đã trở nên quá phổ biến.

Thay vào đó, một loại hình thiết bị mới đang gây được sự chú ý của người tiêu dùng cũng như các nhà sản xuất, đó chính là loại hình các thiết bị thông minh đeo được (wearable). Với sự tiện dụng cao và tính năng ngày càng phát triển, các thiết bị thông minh đeo được, mà cụ thể là smartwatch (đồng hồ thông minh), smartband (vòng tay thông minh) tỏ ra mình có thể trở thành tương lai của ngành thiết bị di động, đặc biệt là trong thời kỳ “Internet of things” hiện nay. Tiềm năng của smartwatch có lẽ là điều không cần bàn cãi, đến mức từ Sony, Samsung, LG, Motorola,… cho đến Apple đều đã bước chân vào lĩnh vực này, Google thậm chí còn ra mắt hẳn một hệ điều hành cho chúng, có tên Android Wear. Với đà này, theo nhiều chuyên gia dự đoán, thị trường smartwatch sẽ sôi động không thua kém gì thị trường smartphone.

Dù sao, đó cũng là một tương lai khá xa, bởi smartphone vẫn mang lại những lợi ích không thể thay thế, smartwatch hay smartband vẫn có những bất lợi, đặc biệt là về khả năng hiển thị và thời lượng pin. Thế nhưng điều này lại cho thấy một thực tế, phải chăng con người đang muốn “thông minh hóa” mọi thứ để phục vụ cho cuộc sống của mình? Và sau khi “thông minh hóa” đồng hồ đeo tay, đâu sẽ là thiết bị được “thông minh hóa” tiếp theo? Vì công nghệ luôn ngày càng phát triển, vậy nên chẳng thể nói trước được điều gì, nhưng ít nhất, đã có manh nha những thiết bị khác được gán mác thông minh, và cũng rất có tiềm năng.

Nhẫn thông minh

Ý tưởng này có vẻ điên rồ, khi mà một thiết bị đeo trên cổ tay (như smartwatch/ smart band) còn chưa thực sự hoàn thiện và hữu ích thì làm sao một thiết bị đeo trên ngón tay có thể hỗ trợ con người được.

Smartring của MOTA. Ảnh: MOTA

Tuy nhiên, đó chỉ là những giới hạn về công nghệ và hoàn toàn có thể cải tiến trong tương lai. Thậm chí, ngay từ bây giờ cũng đã có những chiếc smartring đầu tiên được giới thiệu đầy ấn tượng.

Tại IFA vừa qua, một công ty có tên MOTA cũng đã giới thiệu sản phẩm smartring đầu tiên của mình. Với ngoại hình nhỏ gọn như một chiếc nhẫn thông tường, smartring của MOTA có thể kế nối với smartphone iOS và Android, có thể thông báo cuộc gọi, tin nhắn, mạng xã hội,…

Ngoài ra, còn rất nhiều ý tưởng khác mà con người đã đưa ra cho một chiếc nhẫn thông minh, chẳng hạn như gắn thêm cảm biến để có thể điều khiển thiết bị khác bằng cử chỉ, mở rộng màn hình để hiển thị tốt hơn mà vẫn giữ được vẻ sang trọng như một món đồ trang sức, hay thậm chí là trang bị cả loa, mic để đàm thoại….

Concept nhẫn thông minh của Nokia.

Nhẫn thông minh hoàn toàn có thể trở thành một thiết bị của tương lại, một sản phẩm điện tử trong dáng vẻ của đồ trang sức, nhỏ gọn, sang trọng, mạnh mẽ.

Kính thông minh

Một chiếc kính có khả năng hiển thị mọi thông tin, có camera ghi hình, có thể kết nối với smartphone có lẽ là điều chỉ mới xuất hiện nhiều trên phim viễn tưởng, còn thực tế, kính thông minh vẫn là một thứ khá xa vời đối với con người.

Sản phẩm kính thông minh “phổ biến” nhất hiện nay có lẽ là Google Glass, đã được Google chính thức bán ra từ hồi tháng 4, nhưng mức giá còn quá cao trong khi tính năng còn hạn chế.

Google Glass có giá lên tới 1.500 USD.

Google Glass giống như một chiếc smartphone thu nhỏ được đeo trên mắt, có một thấu kính hiển thị hình ảnh ngay trước mắt người đeo. Sản phẩm hoạt động trên nền tảng Android 4.4 KitKat, sử dụng bộ vi xử lý lõi kép của Texas Instruments, 1GB bộ nhớ RAM với ổ cứng lưu trữ 16GB, camera có góc nhìn tương tự mắt người đeo và có thể điều khiển qua giọng nói hoặc cảm biến trên gọng. Đây là một sản phẩm khá tiềm năng, ngoại trừ mức giá lên tới 1.500 USD.

Ngoài Google, rất nhiều nhà sản xuất khác cũng đã bước chân vào lĩnh vực sản xuất loại thiết bị này, tuy nhiên, có vẻ như thời đại của kính thông minh còn rất xa nữa, khi mà các nhà sáng chế có thể khắc phục những hạn chế về chất lượng hiển thị, khả năng kết nối, tính thời trang và đặc biệt là giá cả sản phẩm.

Kính thực tế ảo

Thực tế ảo có thể sẽ trở thành một xu hướng trong tương lai, khi mà con người có thể làm mọi thứ, biết mọi thứ trong khi vẫn ngồi nguyên một chỗ. Công nghệ này vốn để phục vụ cho trải nghiệm chơi game của các game thủ, tuy nhiên thực tại ảo hoàn toàn có khả năng áp dụng trong đời sống, trong các lĩnh vực kỹ thuật và ngoại giao.

Kính thực tế ảo có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.

Các công ty lớn như Facebook, Sony, Samsung đều đang khá quan tâm đến lĩnh vực này. Riêng Facebook đã bỏ ra tới 2 tỷ USD để mua lại Oculus VR (Virtual Reality), một công ty chuyên về thiết bị và trải nghiệm thực tế ảo. Samsung cùng Oculus cũng vừa giới thiệu chiếc Gear VR, một chiếc “kính” thực tế ảo với màn hình hiển thị là điện thoại Galaxy Note 4.

Về tính khả dụng của thực tại ảo, chúng ta có thể tham quan ngôi nhà chuẩn bị mua qua hình dựng trên kính VR, các kỹ sư xây dựng có thể kiếm tra công trình của họ qua hình mô phỏng, các nhà thiết kế có thể nhìn thấy sản phẩm của mình sẽ ra sao, thậm chí là gặp gỡ, bắt tay với một đối tác thật, dù học đang cách nhau tới nửa vòng trái đất. Nó sẽ giúp hạn chế việc đi lại, hạn chế những nguy hiểm có thể xảy ra và khi mọi việc được xử lý bằng máy, tính chính xác sẽ cao hơn nhiều.

Một điểm thu hút khác của công nghệ này chính là tính “trò chơi hóa” của công việc. Với công nghệ VR, mọi hình ảnh thực tế đều được mô phỏng hóa bằng hình họa, và việc thực hiện nó cũng giống như chúng ta đang chơi game vậy.

Xe hơi thông minh/ Xe tự lái

Bỏ qua những rắc rồi về mặt pháp lý, khi mà nhiều nhà lập pháp vẫn nghi ngại về hướng giải quyết nếu chẳng may chiếc xe tự lái này gây tai nạn. Việc những chiếc xe không người lái -  những phương tiện giao thông bán tự động chạy trên đường cao tốc không còn quá xa vời như chuyện khoa học viễn tưởng nữa.

Không chỉ dừng lại ở khả năng cảnh báo người lái mỗi khi có vật cản trên đường, những chiếc xe giờ đây thậm chí còn có thể thay luôn cả tài xế trong việc lái xe.

Một chiếc xe tự lái của Google trong quá trình chạy thử nghiệm.

Hiện tại, một vài tính năng thông minh đã được nhiều hãng trang bị, có thể kể đến như: theo dõi mắt của tài xế, để lắc dậy nếu như họ ngủ quên trên vô lăng, cảnh báo cho các tài xế về những nguy cơ thường nhật như người đi bộ bất thình lình qua đường, và nếu như tài xế không phản ứng kịp, chiếc xe có thể tự nó xử lý bằng cách phanh gấp hoặc rẽ lái qua hướng khác trước khi quá muộn,…

Với vô số những vụ tai nạn xảy ra hàng ngày bởi nguyên nhân là người lái sơ sẩy, thiếu kinh nghiệm, hay ngủ gật, những chiếc xe có khả năng tự động lái sẽ giúp việc di chuyển bằng xe hơi trở nên dễ dàng và an toàn hơn rất nhiều.

 

Tự tạo một ngôi nhà thông minh với Notion

(Techz.vn) Khái niệm ng&oocirc;i nhà thông minh đã được ra đời từ rất lâu tuy nhiên rất khó có thể sở hữu công nghệ này khi giá thành vượt quá tầm với của nhiều người. Tuy nhiên với Notion, ước mơ sở hữu một ngôi nhà thông minh sẽ không quá xa vời.