Máy ảnh

Smartphone đã ‘giết chết’ máy ảnh PnS như thế nào?

PnS (Point & Shoot) được hiểu là những chiếc máy ảnh với thiết kế đơn giản, cách sử dụng chủ yếu là giơ máy lên và chụp bởi chúng đã được nhà sản xuất tối ưu mọi thứ, người dùng thường không phải điều chỉnh gì nhiều. Máy ảnh PnS thường được chúng ta gọi bằng cái tên máy ảnh du lịch hay máy ảnh kỹ thuật số, phát triển cực thịnh vào những năm 2000 - 2010, khi mà mỗi gia đình trung lưu thường cố gắng sở hữu cho mình một sản phẩm máy ảnh này, không quá đề cao tính nghệ thuật mà chủ yếu nhằm ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc sống, những chuyến đi chơi, sự kiện trong gia đình,…

Nói vậy để thấy PnS là một phân khúc máy ảnh quan trọng, bên cạnh những chiếc DSLR cồng kềnh, đắt tiền và chủ yếu cho những người dùng chuyên nghiệp. Thế nhưng đến nay, máy ảnh PnS gần như biến mất trong suy nghĩ của nhiều người khi lựa chọn một thiết bị ghi hình đơn giản, gọn nhẹ, tất cả là nhờ “công”, và cũng là “tội” của smartphone.

Hoàn toàn có thể sáng tạo những bức ảnh đẹp mắt từ camera trên smartphone và chia sẻ lên mạng xã hội

Không thể phủ nhận các nhà sản xuất máy ảnh vẫn luôn cố gắng để sản phẩm của mình ngày càng mạnh mẽ và hoàn thiện hơn: thiết kế gọn nhẹ, vật liệu cao cấp, công nghệ hiện đại cùng với việc bổ sung thêm nhiều kết nối nhằm phục vụ nhu cầu đăng ảnh nhanh lên mạng xã hội và mức giá cũng ngày càng rẻ, thế nhưng những máy ảnh PnS vẫn chưa thể chống lại được sự công phá mạnh mẽ của smartphone, bởi các nhà sản xuất smartphone còn phát triển mạnh mẽ hơn thế.

Những thiết bị được dùng nhiều nhất trên mạng xã hội chia sẻ ảnh Flickr đều thuộc về smartphone

Khả năng chụp ảnh ngày càng cải thiện:

Để có thể soán ngôi của máy ảnh PnS, điều cốt lõi đến từ chính chất lượng hình ảnh mà những chiếc smartphone ngày nay ghi lại được.

Ứng dụng chụp ảnh trên một chiếc điện thoại Lumia. Ảnh: Engadget

Những chiếc điện thoại ngày nay có phần cứng camera mạnh mẽ không kém gì những chiếc máy ảnh PnS: cảm biến ảnh lớn, sử dụng ống kính “hàng hiệu” từ Carl Zeiss hay Schneider, có chống rung quang học, khẩu độ lớn, đèn flash Xenon, màn chập cơ học, thậm chí là ống kính có khả năng zoom như những chiếc Galaxy K Zoom, Lumix Phone.

Đó là về mặt phần cứng, về phần mềm, bạn có thể lựa chọn những chiếc máy có khả năng chỉnh tay mạnh mẽ như những chiếc Nokia Lumia, hay những sản phẩm sử dụng hệ điều hành Android , còn nếu muốn có những bức ảnh đẹp mà không cần quan tâm đến các thông số, iPhone hay BlackBerry hiện có khả năng điều chỉnh thông số và đo sáng tự động khá ấn tượng. Gần như máy ảnh kỹ thuật số có thể làm gì, smartphone cũng có khả năng tương tự, thậm chí còn tốt hơn.

Gọn nhẹ, chớp khoảnh khắc nhanh:

Để có thể vừa đáp ứng nhu cầu liên lạc, vừa đáp ứng nhu cầu chụp hình, chúng ta có thể tìm mua một chiếc điện thoại tầm trung, giá rẻ cùng một chiếc máy ảnh kỹ thuật số, hoặc là một chiếc smartphone có khả năng chụp ảnh đẹp. Trong thời buổi hiện nay, có lẽ ý kiến số 2 được nhiều người lựa chọn hơn cả. Chúng ta có thể hy sinh một chút về chất lượng hình chụp, nhưng bù lại sẽ có một thiết bị nhỏ gọn đáp ứng tốt mọi nhu cầu cơ bản.

Chiếc smartphone chụp ảnh đẹp lúc nào cũng sẵn sàng trong túi quần, có thể phát huy tác dụng mọi lúc, mọi nơi, giúp người dùng không bỏ lỡ những khung hình đẹp. Ngoài ra, trong thể loại nhiếp ảnh đời thường, một chiếc điện thoại cầm trên tay chắc chắn sẽ mang đến những khoảnh khắc tự nhiên hơn là một chiếc máy ảnh.

Các phần mềm chỉnh sửa, khả năng chia sẻ:

Không thể phủ nhận thế mạnh của smartphone so với máy ảnh số chính là hệ điều hành mà chúng sử dụng. Bên cạnh việc cung cấp khả năng tùy chỉnh cho camera, một kho với hàng ngàn phần mềm chỉnh sửa ảnh sẽ giúp chúng ta có những bức ảnh không chỉ nét, mà còn lung linh, đẹp mắt hay ít nhất là “sạch mụn” trước khi chia sẻ lên mạng xã hội.

Đó là điều mà các máy ảnh chính thống vẫn chưa đạt được dù đã cố gắng cải thiện. Một vài sản phẩm trong thời gian gần đây được bổ sung thêm kết nối Wi-fi, phần mềm mạng xã hội hay thậm chí là sử dụng sức mạnh của hệ điều hành Android (chẳng hạn như Galaxy Camera), thế nhưng đây chỉ là một bộ phận nhỏ, vẫn chưa thể mang lại trải nghiệm thân thiện cho người dùng như smartphone, chưa kể đến giá cả đắt đỏ và mức độ phổ biến chưa cao. Ở điểm này, smartphone vượt trội hơn rõ ràng so với camera PnS.

Gọn nhẹ, chất lượng ảnh khá, khả năng kết nối và chia sẻ nhanh là những điểm mạnh của smartphone so với máy ảnh số hiện nay

Thay cho lời kết

Với những đặc điểm kể trên, nhiều người sẽ cho rằng chỉ một tính năng trên smartphone lại có thể giết chết cả một ngành công nghiệp, dù rằng chúng có những đối tượng khách hàng riêng? Sự thực thì chưa đến mức như vậy, nhưng nhìn vào thị trường hiện nay, ngày tàn của những chiếc máy ảnh PnS có lẽ cũng không còn xa Máy ảnh PnS có lẽ sẽ chịu chung số phận với những chiếc điện thoại cố định, máy nghe nhạc cầm tay, máy ghi âm, PDA,… không thực sự “chết”, nhưng phát triển cầm chừng, nhỏ giọt.

Sự thay đổi chóng mặt về công nghệ trong vòng 10 năm. Ảnh: 9gag

Theo một thống kê gần đây, thị trường camera phát triển khá chậm chạp và có dấu hiệu tụt dốc. 3 nhà sản xuất lớn hiện nay là Canon, Nikon và Sony chia sẻ với nhau 60% thị phần, trong đó Canon và Nikon chỉ là “ông trùm” trong lĩnh vực DSLR, còn Sony là nhà cung cấp cảm biến cho hầu hết các nhà sản xuất còn lại. Hàng chục nhà sản xuất khác chia sẻ với nhau 40% còn lại và đã có nhiều đơn vị phải bỏ cuộc, chịu cảnh phá sản. Các nhà sản xuất vốn đi đầu trong lĩnh vực máy ảnh du lịch như Panasonic, Fujifilm, Olympus,… đãatilde; bắt đầu phải chuyển hướng sang máy ảnh không gượng lật (mirrorless) nhằm cứu vãn tình hình.

Và với những chiếc smartphone đời mới, lấy khả năng chụp hình đẹp là một lợi thế cạnh tranh, chẳng hạn như Galaxy Note 4, iPhone 6 hay Lumia 930,… trong vài năm tới, có lẽ máy ảnh PnS chỉ còn là dĩ vãng.

 

Camera 'tự sướng': Cuộc đua mới trên thị trường di động

(Techz.vn) Từ HTC, Sony tới Nokia và Samsung đều đã đưa ra những mẫu điện thoại có camera trước khủng để phục vụ cho khả năng tự sướng. Liệu đây có phải là một cuộc đua mới giữa các hãng và phong trào này liệu sẽ đi đến đâu?