Nhịp sống số

HaiVL đóng cửa - 24h có mất trắng 33 tỷ?

Vụ việc HaiVL và thương vụ HaiVL – 24h đang là thông tin nóng hổi nhất của giới công nghệ Việt trong những ngày vừa qua. Ngày 24/10, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông) đã ban hành quyết định thu hồi giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến đã được cấp cho Công ty Cổ phần công nghệ APPVL Việt Nam đối với trang mạng HaiVL.com, đúng một tuần sau khi những người trong cuộc thông báo chính thức về thương vụ mua bán tưởng như sẽ mở ra một bước tiến mới cho cả 2 cái tên lớn này.

Sau quyết định gây ồn ào trên, Công ty Cổ phần Quảng cáo 24h có thể đứng trước rủi ro “mất cả chì lẫn chài”. Dù trước đó, admin Võ Thanh Quảng của HaiVL đã khẳng định không có chuyện HaiVL bị bán đứt cho 24h, số tiền (hiện ước đoán vào khoảng 33 tỷ đồng) chỉ là bản “hôn nhân tốt đẹp” giữa hai bên. nhưng ngay cả như vậy, thì số tiền mà 24h bị thiệt hại khi HaiVL bị rút giấy phép chắc chắn không nhỏ.

Xung quanh việc xử phạt những sai phạm của trang HaiVL.com, trong một cuộc trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - Trương Minh Tuấn đã cho biết HaiVL.com bị rút giấy phép vĩnh viễn và toàn bộ hồ sơ sẽ được chuyển sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra, xử lý theo pháp luật.

Sau vụ việc này, vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là số tiền 33 tỷ đồng đó sẽ thuộc về APPVL hay sẽ trả lại cho 24h. Nhiều luật sư cho rằng số phận của số tiền đó phụ thuộc vào tiến độ thanh toán và giá trị pháp lý hợp đồng giữa hai bên bởi pháp luật có quy định là thời điểm chuyển rủi ro là thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Số tiền này phụ thuộc vào tiến độ thanh toán và giá trị pháp lý hợp đồng giữa hai bên

Trong một bài phỏng vấn trên báo Đời sống & pháp luật về vụ việc này, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: "Cần xem lại giá trị pháp lý của hợp đồng chuyển nhượng giữa các bên. Nếu hợp đồng vô hiệu hoặc chưa có hiệu lực pháp luật thì phần lớn rủi ro, thiệt hại thuộc về bên chuyển nhượng. Bên nhận chuyển nhượng chỉ phải chịu thiệt hại nếu bên nhận chuyển nhượng có lỗi làm hợp đồng vô hiệu hoặc vi phạm hợp đồng làm hợp đồng không thể thực hiện được. Nếu hợp đồng chấm dứt hiệu lực thì bên nhận chuyển nhượng cũng gặp rắc rối trong việc đòi lại những khoản tiền đặt cọc, ứng trước..."

Từ vụ việc đó của HaiVL và 24h, tại hành lang Quốc hội sáng nay (28/10), Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết hiện nay, có một số trang thông tin điện tử, gọi là trang thí điểm sẽ thu hồi hết, không cấp phép. Theo Nghị định 72, khi công dân thực hiện trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội phải được cấp phép.

"Việc cấp giấy phép do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện, cụ thể là Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử cấp phép và thứ hai là do Sở Thông tin truyền thông cấp phép. Những trang này không hoạt động hoặc chưa cấp phép thì đều bị thu hồi. Hôm nay (28/10) sẽ công bố danh sách nhưng trang sẽ bị thu hồi", Bộ trưởng Son trả lời PV báo điện tử Đài tiếng nói VN.

Trước khi bị đóng cửa, HaiVL.com là website thuộc sở hữu của Công ty cổ phần công nghệ APPVL Việt Nam, trang này có 37 triệu lượt người truy cập, 4 triệu like fanpage, với đối tượng chính là giới trẻ, học sinh, sinh viên. Website này từng đứng thứ 13 tại Việt Nam theo xếp hạng của Alexa, và đứng thứ 1.529 trên thế giới. Doanh thu mỗi tháng của HaiVL khi đó đạt trung bình 800 triệu đồng.

 (Tổng hợp)

 

Thương vụ HaiVL và 24h: Đâu là chính thức?

(Techz.vn) Trước thông tin cho rằng website HaiVL đã ‘bán mình’ cho Công ty cổ phần Quảng cáo Trực tuyến 24h, Admin của trang web giải trí đình đám này đã lên tiếng trả lời về vấn đề trên.

 

Tag:

24H

HaiVL