Nhịp sống số

Đời sống công nghệ tại Triều Tiên: Những điều thú vị

Bài viết liên quan

Cách không xa Hàn Quốc, xứ sở của Samsung, LG với hàng loạt sản phẩm công nghệ đỉnh cao hàng đầu thế giới, thế nhưng người dân Triều Tiên vẫn khá lạ lẫm với công nghệ. Internet bị cấm hoàn toàn, kết nối mạng viễn thông có khi vẫn còn là một điều mới mẻ với nhiều người dân, iPhone, Galaxy có lẽ chẳng bao giờ được nhắc đến ở đất nước khép kín này, mặc dù họ có công viên nước hoành tráng, có tên lửa để phóng,…

Có smartphone, tablet, nhưng không vào được Internet

Theo những gì đã rò rỉ ra truyền thông bên ngoài, Triều Tiên hiện có duy nhất một sản phẩm máy tính bảng và 2 smartphone, đây hầu hết đều là những sản phẩm xa xỉ và không dành cho số đông người dân, và do nhà máy Arirang sản xuất.

Câu chuyện bắt đầu từ tháng 8/2013, Triều Tiên gây bất ngờ cho giới công nghệ trên toàn thế giới khi chính thức trình làng sản phẩm công nghệ số đầu tiên của mình là máy tính bảng và điện thoại thông minh. Điều này khiến khá nhiều chuyên gia công nghệ cảm thấy tò mò bởi đây là một lĩnh vực không hề đơn giản, và lại càng khó khăn hơn với một nước “bế quan tỏa cảng” như Triều Tiên.

Hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA ngày 11/8/2013 đăng hình ảnh đầu tiên về những chiếc điện thoại thông minh thương hiệu Arirang do Bình Nhưỡng nghiên cứu và phát triển.

Việc tự phát triển một thiết bị máy tính bảng Android cho thấy trình độ khoa học kỹ thuật tiến bộ của Triều Tiên dù không giao du với thế giới. Đây là một sản phẩm được trang  bị vi xử lý tốc độ 1GHz, RAM 1GB và màn hình 7 inch độ phân giải 768 x 1024 pixel, không có camera.

Trong khi đó, chiếc smartphone Arirang ra đời cùng chiếc máy tính bảng này cũng vừa được nâng cấp lên thế hệ thứ 2 mang tên Pyongyang Touch. Sản phẩm này có kiểu dáng được cho là khá giống  với iPhone 3G, sử dụng hệ điều hành Android tùy biến sâu. Vẫn chưa rõ thực hư về chất lượng và nguồn gốc của những sản phẩm này như thế nào, tuy nhiên chúng được KCNA khẳng định là sản phẩm hoàn toàn do Triều Tiên phát triển và sản xuất. Trong buổi tham quan nhà máy Arirang, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết: "Điện thoại di động Arirang có kiểu dáng đẹp và sáng sủa, có nhiều chức năng khác nhau phục vụ việc học tập cũng như gọi điện liên lạc. Nó cũng tích hợp một camera độ phân giải cao mà mọi người sẽ thấy rất thuận tiện khi sử dụng".

Được công nhận là những thiết bị công nghệ cao của Triều Tiên, tuy nhiên những  sản phẩm này vẫn bị kiểm soát rất nhiều từ chính phủ và thiếu vắng những tính năng mà bất cứ người dùng smartphone nào cũng cần đến.

Chiếc tablet Samjiyon không có kết nối Wi-Fi, không thể truy cập Internet, thế vẫn có thể tải và chơi được một số game Android, xem bản đồ, và đặc biệt là có thể… đọc sách về lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un. Người dùng cũng có thể truy nhập vào trang web của các phương tiện truyền thông quốc gia trên chiếc tablet này thông qua mạng Intranet riêng. Tất nhiên các dịch vụ như Google Play, Gmail, YouTube, Facebook đều bị chặn hoàn toàn tại xứ sở này.

Internet “thời đồ đá”

Triều Tiên giờ đã đổi mới và mở cửa hơn nhiều, thế nhưng  những câu chuyện được kể từ năm 2012 trên trang BBC không thể không khiến người nghe bật cười.

Có khá nhiều điều kỳ lạ trong các trang web chính thức của Triều Tiên, có những chương trình đặc biệt tự động chèn vào mỗi trang để đảm bảo cho một tính năng khá đơn giản: Mỗi khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un được nhắc đến, tên của ông được tự động được hiển thị đậm hơn và to hơn những ký tự xung quanh. Không to hơn nhiều nhưng đủ để làm nó nổi bật.

Những người dân bình thường cũng không có quyền truy cập “Internet”. Đặc quyền này dành cho một số ít những quan chức trong nước, được biết đến như giới tinh hoa, cùng một số nhà khoa học và học giả,… và con số này chỉ vào khoảng vài chục người.

Để có thể tiếp cận với cái gọi là “Internet” tại đây, người dân Triều Tiên cũng có thể tìm đến các quán cafe Internet, tuy nhiên chúng không chạy trên hệ điều hành Windows mà là Red Star, một hệ điều hành được cho là do chính cố lãnh đạo Kim Jong-il viết ra. Một file readme cài đặt sẵn sẽ cho bạn biết tầm quan trọng của hệ điều hành này đối với đất nước.

Ngoài ra, người nước ngoài, đại sứ quán, các tổ chức quốc tế cũng là một số nhỏ người được sử dụng Intertnet “trong kiểm soát”. Thế nhưng đối tượng này cũng vừa nhận một sắc lệnh khó chịu vào hồi tháng Tám vừa qua. Xuất phát từ việc nhiều người dân Triều Tiên đã xài sóng Wi-Fi “chùa” từ các đại sứ quán nước ngoài để truy cập Internet trên điện thoại và các thiết bị di động khác. Giá nhà quanh các đại sứ quán nước ngoài ở Bình Nhưỡng tăng vọt trong thời gian gần đây do nhiều người Triều Tiên khá giả muốn sống gần các trụ sở này để bắt sóng Wi-Fi một cách thoải mái ngay trong nhà mình.

Thế nhưng với việc siết chặt này, tình trạng trên có thể sẽ chấm dứt, và nhiều khả năng Chính phủ Triều Tiên sẽ chỉ cấp phép cho đại sứ quán và tổ chức nước ngoài dùng Wi-Fi một khi tin tưởng rằng, người dân không thể sử dụng tín hiệu Wi-Fi của đại sứ quán hay tổ chức đó.

Vậy là người dân tại đây lại quay trở về với Internet “thời đồ đá” hoặc đợi một sự thay đổi nào đó từ chính quyền Bình Nhưỡng. Nhưng  đến thời điểm đó, cái gọi là “Internet” tại đây chỉ là một mạng lưới hạn hẹp và thiếu chiều sâu, mang tính chất của một mạng nội bộ hơn là một mạng lưới toàn cầu mà những người dùng Internet còn lại trên thế giới được chứng kiến. Một so sánh khá hay về Internet tại đây, đó là Trong khi Trung Quốc có hệ thống "tường lửa" khét tiếng, chặn Facebook, Twitter, Google,…, thì công nghệ của Triều Tiên được mô tả là "mạng lưới chống muỗi", chỉ cho phép những thông tin tối thiểu vào và ra khỏi đất nước.

 

Smartphone made in Triều Tiên và những điều có thể bạn chưa biết

(Techz.vn) Triều Tiên vừa cho ra mắt một mẫu smartphone mặc cho những tin đồn về việc nhiều công dân nước này bị coi là tội phạm chiến tranh do sở hữu ĐTDĐ.