Sau khi đã bỏ ra hàng giờ, hàng tuần, thậm chí hàng tháng trời tìm hiểu về các quy tắc trong nhiếp ảnh, cuối cùng bạn cũng đã thể đủ tự tin mà nói rằng mình không còn là một “tay mơ” chỉ biết chụp hình lưu niệm bằng những chiếc máy “bấm và chụp” (point and shot) luôn tự động bật đèn flash lên trong mọi trường hợp nữa.
- 10 lỗi cần tránh trong nhiếp ảnh
- Nên dùng định dạng RAW khi chụp ảnh đen trắng
- Cân bằng trắng trong nhiếp ảnh: Chỉnh thế nào cho đúng?
Học về những quy tắc cơ bản của nhiếp ảnh là một điều tối cần thiết để vượt ra khỏi ranh giới của những người mới bắt đầu cầm máy. Tìm hiểu về bố cục, cách thức mà độ mở ống kính hay tốc độ chụp tác động lên một bức ảnh thực sự sẽ khiến kỹ năng cầm máy của bạn được nâng cao.
Vấn đề nằm ở chỗ, nếu chỉ đơn giản tuân theo các quy tắc nhiếp ảnh có thể tìm kiếm đầy rẫy từ mọi nguồn trên mạng Internet, thì những tác phẩm bạn chụp ra, dẫu có đẹp và không thể chê trách, cũng sẽ chỉ luôn giống với những gì người khác đã chụp từ cả chục năm về trước. Những bức ảnh không có sự sáng tạo, được chụp từ thói quen, “bản năng”, theo một lối mòn tư duy đã cài đặt sẵn trong đầu óc bạn. Năm, mười năm hoặc thậm chí chưa lâu đến thế, khi nhìn lại những gì mình đã chụp, liệu bạn có thể nhặt ra được nhiều hơn một tấm hình để chỉ vào nó mà nói rằng: “Đây là đột phá của đời (nhiếp ảnh) tôi”?
Hãy lưu ý rằng trong bài viết này, tác giả không hề phủ nhận tầm quan trọng của việc hiểu được những quy tắc căn bản khi chụp một tấm hình. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã dạy: “Thấu hiểu các nguyên tắc, để phá vỡ chúng một cách thật hiệu quả.”, điều này cũng đúng trong nghệ thuật nhiếp ảnh. Chụp hình khi trong đầu không hề có một chút kiến thức nào về nhiếp ảnh rất khác với chụp hình khi đã gạt ra khỏi đầu tất cả những kiến thức nhiếp ảnh mà mình biết. Bởi vì, nếu đơn thuần chỉ “ăn may” chụp được một tấm hình đẹp, bạn sẽ không thể biết làm sao để lặp lại chúng một lần nữa.
Và bây giờ, với các độc giả thân quen đã theo dõi chuyên đề máy ảnh số của chúng tôi từ những ngày đầu, đã nằm lòng thế nào là ISO, thế nào là tốc độ, thế nào là khẩu độ, đã biết cách làm sao để có thể chụp phơi sáng, đã biết tạo điểm nhấn trong bức ảnh bằng quy tắc 1/3, vân vân và vân vân, dưới đây là 5 lý do để bạn cầm máy ra khỏi nhà, và tạm gạt bỏ chúng hết sang một bên để thử bắt đầu theo một cách mới…
1. Để nhiếp ảnh không phải là một thói quen nhàm chán
Có bao giờ bạn gặp phải tình huống này: Cuối tuần bạn được nghỉ, bạn “phải” xách máy ra khỏi nhà vì hôm nay trời rất đẹp. Bạn “phải” chụp ảnh macro hoa lá vì bạn đang cùng vợ con đi chơi ở một vườn hoa rất đẹp. Bạn “phải” áp dụng nguyên tắc 1/3 vì bức ảnh này có đường chân trời và chủ thể rất phù hợp với bố cục đó. Vân vân và vân vân.
Hay cô bạn thân nhờ bạn thực hiện giúp một bộ ảnh chân dung để tham dự một cuộc thi sắc đẹp qua ảnh. Bên cạnh bạn, cô ấy còn nhờ thêm hai anh “nhiếp ảnh gia” nữa. Ba người đều tỏ ra khiêm tốn, nhún nhường, khen ngợi và góp ý với nhau qua mỗi tấm hình. Bạn đưa máy lên ngắm chụp, và như thể có một sức ép nặng nề khiến bạn “phải” bố cục máy như thế này, đặt độ mở như thế kia, yêu cầu cô bạn tạo dáng theo cách đó.
Tất cả những cái “phải” đó đều là xiềng xích bạn tự khoác lên mình sau khi đã đọc và rèn luyện hàng trăm, hàng nghìn lần theo các tài liệu dạy về nhiếp ảnh. Bạn phát ớn lên vì những tấm hình lúc nào cũng hao hao giống nhau, nhưng chúng “an toàn”. Bởi bạn lo sợ việc từ bỏ chúng sẽ khiến bạn đón nhận lại chỉ những cái chau mày và lời khen miễn cưỡng từ bạn bè, vợ con khi cho họ xem ảnh.
Việc đó có thể xảy ra với mỗi lần cầm máy đi chụp, và điều đó vô tình trở thành một áp lực khiến chiếc máy bạn cầm trên tay bỗng trở nên quá nặng nề. Chụp ảnh trở thành một nghĩa vụ, một thứ công việc khác trong khi điều bạn thật sự cần khi cầm máy ra ngoài vào cuối tuần là để xả hơi, thư giãn sau một tuần làm việc căng thẳng.
Đừng vội nghĩ về những gì người khác sẽ đánh giá mình từ khi mới đưa mắt vào kính ngắm. Thay vì nghĩ rằng cô bạn kia nhờ cậy vì bạn là một người có kiến thức rất sâu rộng về nhiếp ảnh, hãy nghĩ rằng ngoài kia còn rất nhiều người khác cũng nắm rõ những quy tắc không mất tiền để đọc được đầy rẫy trên mạng đó, và nếu bạn chỉ chụp được những thứ giống như họ, lần sau khi bạn bận, cô bạn kia sẽ chẳng khó khăn gì tìm được một người thay thế tốt hơn.
Hãy luôn thử phá bỏ những nguyên tắc đang vô tình trở thành thứ xiềng xích khiến bạn luôn nghĩ mình “phải” làm một cái gì đó. Hãy có thể bắt đầu một ý tưởng mới, một thử thách mới trong mỗi lần cầm máy. Bạn có ống kính tele 70-200 chuyên để chụp chân dung và hoa lá trên cao ư? Sao không thử lấy nó ra và chụp những bức ảnh đời thường “lén lút”? Bạn đi chơi cùng vợ con ở một vườn hoa rất đẹp ư? Sao không thử săn lùng những bức ảnh chụp con ong đang hút mật?
2. “Sai số” đôi khi là giải pháp duy nhất, hoặc tốt hơn
Mọi phép tính luôn tồn tại một hoặc nhiều hơn một sai số. Nhiều khi bạn cứ cố áp đặt chủ thể vào một đường dọc mạnh nhưng bức ảnh không thể thành công vì hậu cảnh phía sau quá rối rắm với đường chân trời xiên xẹo. Sao không thử “ném” chủ thể vào chính giữa khung hình, và tiến lại gần sát hơn để tận dụng chủ thể như một bức phông màn che đi những “rác rưởi” phía sau? Hành động đó có thể là “sai số” trong nguyên tắc 1/3, nhưng lại được biết đến với cái tên khác là “tính cân đối trong bố cục” và “kỹ thuật làm đầy khung hình”. Thú vị, phải không?
3. Thử sức sáng tạo giúp bạn tôn trọng hơn những gì bạn không hiểu
Chúng ta vẫn thường đi xem những triển lãm tranh của một họa sỹ ABC XYZ rất thành công và nổi tiếng nào đó. Đứng hồi lâu trước một bức tranh, rồi khẽ huých khuỷu tay nhau và hỏi nhỏ: “Hiểu gì không?” trước khi lẩn ra một góc khuất và cười hô hố: “Siêu thực mà, siêu thực phải thế, làm sao mà hiểu được!” Vấn đề là đằng sau nụ cười giễu cợt đó, trong thâm tâm bạn tự biết mình không thể vẽ được cái giống như họ. Bạn không biết họ đã sử dụng những kỹ thuật gì. Thậm chí bạn không biết cả cách họ đã pha màu ra làm sao.
Cố gắng phá vỡ những nguyên tắc căn bản được học để nhận ra việc đó khó đến nhường nào – bởi “ngoài trời còn có trời”, thứ mà bạn tưởng như mình đang “sáng tạo” đa phần đều chỉ là một thứ còn trong bóng tối nằm ngoài sự hiểu biết của bạn – sẽ giúp bạn biết tôn trọng hơn những nỗ lực của các cá nhân khác đã làm để tạo nên sự đột phá và thiết lập những bước phát triển cao hơn trong lịch sử nhiếp ảnh.
4. Bạn chẳng mất gì khi sáng tạo
Thời kỳ của những cuộn phim… Thời kỳ mà mỗi lần nhấn chụp là một lần ta thấy ví tiền nằm trong túi quần mình mỏng đi đã qua lâu rồi. Chụp – không ưng – xóa – chụp – không ưng – xóa… Thậm chí còn chẳng cần xóa khi công nghệ kỹ thuật số ngày nay đã tạo ra những chiếc thẻ nhớ với dung lượng lên đến vài trăm Gb, những chiếc ổ cứng di động nhỏ như business card với dung lượng lên đến hàng Tb. Cũng đừng lôi “tuổi thọ màn trập” vào đây để bảo thủ ý kiến rằng mỗi lần bấm sẽ khiến máy… mòn đi một ít. Rồi bạn sẽ mau chóng nhận ra rằng, chiếc máy luôn bị bán đi vì chúng ta “ham vui” với công nghệ mới trước khi chúng đạt đến ngưỡng phải thay màn trập.
5. Nguyên tắc cũng chỉ được xây dựng từ những người khác
Nhiếp ảnh, cũng như mọi ngành nghề khác, đứng trên đôi vai của những kẻ khổng lồ: Avedon, Adams, Karsh, v..v.. danh sách này là bất tận. Chúng ta học hỏi từ họ cách sử dụng ánh sáng tự nhiên, cách xếp đặt chủ thể, cách lựa chọn một chiếc máy và ống kính, chúng ta thuộc nằm lòng những phát ngôn về nhiếp ảnh của họ và chúng ta trở thành những đệ tử không được thừa nhận của họ. Nếu may mắn và tài năng có đủ, chúng ta chụp được những tấm hình gần đạt tới đẳng cấp thế giới. Nhưng với tất cả những ai hiểu biết về nhiếp ảnh, và quan trọng hơn, với chính bản thân chúng ta, những bức ảnh đó chỉ đơn giản là một sự sao chép. Điều đó cũng giống như “hàng fake loại 1”, “hàng nội địa Trung Quốc” hay hàng gì đi chăng nữa thì cũng chỉ là một sự sao chép rẻ tiền từ những gì người khác đã làm ra.
Tất nhiên, bạn có thể cho rằng việc sáng tạo là của những người khác, của những người sống bằng nghề nhiếp ảnh, nổi tiếng bằng nghệ thuật nhiếp ảnh chứ không phải là việc của chúng ta, những người cuối tuần cầm máy đi chơi để làm giàu thêm đời sống tinh thần. Nhưng ít ra, nó cũng khiến “cuộc chơi nhiếp ảnh” của chúng ta được trở nên thú vị hơn. Để chúng ta đừng quên đi mất lý do mình đã bỏ ra cả một số tiền lớn để mua lỉnh kỉnh những body và lens thay vì một chiếc máy du lịch rẻ tiền là gì. Tìm tòi, khám phá, trong mọi lĩnh vực luôn có sự liên đới lẫn nhau. Giữ cho đầu óc mình được tư duy sáng tạo luôn là một liều thuốc tốt để phá vỡ một nếp sống trì trệ.
Theo Genk