NextGen Connectivity Summit 2025: Mạng 5G-A và 5GtoB - Bệ phóng tăng doanh thu cho các nhà mạng
Tại Hội nghị NextGen Connectivity Summit 2025 diễn ra từ ngày 15-17/4, các chuyên gia cấp cao của Huawei đã có bài trình bày quan trọng về các giải pháp toàn diện về 5G và những ứng dụng thành công giúp tăng doanh thu cho các doanh nghiệp viễn thông trên toàn thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Macky Zhang, Tổng Giám đốc Huawei Việt Nam, cho biết: “Huawei đã có mặt tại Việt Nam được 27 năm. Ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã xác định rõ tầm nhìn kinh doanh ‘Tại Việt Nam, vì Việt Nam’. Chính tinh thần đó đã định hình cách chúng tôi phát triển, hợp tác chặt chẽ với các nhà mạng trong phát triển hạ tầng mạng và chuyển đổi số. NextGen Connectivity Summit 2025 sẽ là cầu nối để Huawei tiếp tục chia sẻ các giải pháp sáng tạo và kinh nghiệm thực tiễn mới nhất về 5G - với một mục tiêu duy nhất: giúp Việt Nam thành công trong bối cảnh chuyển đổi nhanh chóng hiện nay”.

Tốc độ phát triển nhanh chóng của 5G đã tạo ra nền tảng mới cho sự kết nối toàn diện giữa con người, thiết bị và dữ liệu. Song ngày nay, các ứng dụng công nghiệp đang trở nên phức tạp hơn và yêu cầu cao hơn về hiệu năng, độ trễ, độ tin cậy và bảo mật. Huawei cho biết công nghệ mạng 5G-A (5G Advanced) sẵn sàng làm bệ phóng cho bước nhảy vọt này và 5GtoB (5G to Business) dành riêng cho doanh nghiệp đang trở thành hướng đi chiến lược của các nhà mạng, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Ông Tenny Sum, Giám đốc Liên minh và Đối tác 5G khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Huawei cho hay, 5G-A và 5GtoB sẽ tạo cú hích cho chuyển đổi số trong các ngành công nghiệp. Với công nghệ mạng vượt trội và hệ sinh thái sẵn sàng, 5G-A sẽ trở thành nền tảng chính cho các ứng dụng AI, IoT, Công nghiệp thông minh trong 10 năm tới. Trong khi đó, 5GtoB giúp các nhà mạng mở rộng thị trường kinh doanh B2B; giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí và tạo ra mô hình kinh doanh mới.
Ông Tenny Sum cũng nhấn mạnh, Việt Nam đang sở hữu vị thế thuận lợi để tiến nhanh vào giai đoạn triển khai 5G-A và 5GtoB với hạ tầng công nghệ đổi mới, vốn đầu tư FDI mạnh mẽ từ 114 quốc gia với tỉ trọng 66.9% đổ vào lĩnh vực công nghiệp và nhiều ngành công nghiệp nội địa cần chuyển đổi số cấp bách. Để không bỏ lỡ cơ hội vàng này, việc phối hợp giữa nhà mạng, chính phủ, doanh nghiệp và đối tác công nghệ là yếu tố sống còn.
Để củng cố nhận định này, ông đã đưa ra những phân tích chi tiết về cơ hội, thách thức, xu hướng công nghệ, giải pháp triển khai và khả năng ứng dụng của 5GtoB và 5G-A trong bối cảnh Việt Nam, dựa trên các nghiên cứu mới nhất và các trường hợp thực tế đã được triển khai toàn cầu.
Cụ thể, trên thế giới đã có 64% nhà mạng triển khai mạng riêng 5G (Private 5G). Doanh thu mạng riêng tăng nhanh chóng, đặc biệt là tại Trung Quốc với trên 8 tỷ USD nhờ 5GtoB. Các lĩnh vực ứng dụng 5GtoB năng động nhất hiện nay bao gồm: sản xuất thông minh, logistics, giao thông, dầu khí, y tế, thành phố thông minh.
Huawei đã hỗ trợ 55 nhà mạng triển khai mạng riêng 5G cho các doanh nghiệp, với hơn 470.000 đường truyền 5GtoB toàn cầu vào năm 2024. Trong vòng 3 năm (2021-2024), quy mô mạng riêng 5G đã tăng trưởng gấp hơn 4 lần - đạt mức 297 mạng 5GtoB. Không dừng ở đó, Huawei còn là một trong những đơn vị đi đầu trong việc định nghĩa, triển khai 5G-A và được chuẩn hoá bởi 3GPP từ phiên bản Release 18 trở đi, nhằm đưa 5GtoB lên tầm cao mới.
5G-A mang đến hiệu suất vượt trội về tốc độ tải xuống 10Gbps và tải lên 1Gbps, độ trễ cực thấp dưới 4ms với độ tin cậy cực cao, cùng khả năng định vị chính xác đến từng cm thích hợp cho vận hành robot hay xe tự lái, khả năng kết nối lên đến 100 tỷ thiết bị IoT phục vụ giám sát và sản xuất thông minh, khả năng kết nối AI để đáp ứng nhu cầu tương tác người-máy trong lĩnh vực robot dịch vụ và trợ lý ảo,…

Thảo luận về chiến lược tăng doanh thu cho các nhà mạng tại sự kiện, ông Tenny Sum đã giới thiệu mô hình kinh doanh theo tầng của Huawei, bao gồm: dịch vụ cho thuê mạng riêng (như mạng riêng ảo trên nền tảng mạng công cộng 5G của thành phố thông minh Pattaya - Thái Lan), dịch vụ hợp tác chia sẻ doanh thu giữa nhà mạng và đối tác ngành. Các mô hình dịch vụ được tùy biến linh hoạt theo quy mô doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho đến lớn và lâu đời, ví dụ như mạng riêng sẽ phân loại gồm: đường truyền mạng riêng giữa các thiết bị, mạng riêng cho khuôn viên trong nhà (nhà máy, hầm mỏ, sân bay, cảng biển…), mạng riêng phạm vi rộng ngoài trời (giao thông, trường học, bệnh viện, thành phố…). Ngoài ra, Huawei cũng đưa ra công cụ hỗ trợ nhà mạng định giá dịch vụ, không chỉ dựa theo lưu lượng truy cập mà còn theo trải nghiệm và giá trị ứng dụng.
5G-A và 5GtoB đã được Huawei triển khai thành công cho nhiều lĩnh vực tại nhiều quốc gia. Tại Trung Quốc, mạng riêng 5GtoB đã giúp trung tâm vận chuyển Cainiao tăng 50% năng suất xử lý đơn hàng, giảm 90% sai sót kiểm kê nhờ camera AI và cảm biến đồng bộ theo thời gian thực, hiệu suất kho vận tăng 2 lần so với mạng Wi-Fi công nghiệp trước đây. HongKong - thành phố 5.5G đầu tiên được Huawei triển khai, đạt tốc độ 10Gbps với độ trễ dưới 10ms, phủ sóng rộng khắp từ tàu metro đến bệnh viện, giảm 30% chi phí truyền thông vệ tinh nhờ dùng mmWave cho tuyến biển đảo, tăng khả năng phối hợp y tế cho trung tâm cấp cứu khẩn cấp.
Tại Thái Lan, Huawei cũng phối hợp chính quyền thành phố Pattaya triển khai 60 cột đèn thông minh với kết nối 5G tích hợp camera, cảm biến và phát Wi-Fi công cộng, giúp tăng 30% hiệu quả quản lý giao thông, cảnh báo môi trường sớm hơn 40% và tăng 25% lượng khách du lịch. Nhà máy thông minh dựa trên Private 5G của Midea cũng tăng 35% hiệu suất vận hành tổng thể, giảm 22% chi phí nhân công nhờ tự động hóa, tăng 60% hiệu quả kiểm định chất lượng với camera AI, độ trễ chỉ 10-20ms giúp robot AGV di chuyển chính xác hơn.
Ngoài ra, Huawei còn triển khai mạng riêng 5G trong mỏ Vale (Brazil) để điều khiển từ xa xe tải, máy xúc, cảm biến giám sát môi trường; qua đó giảm được 15% chi phí nhân sự vận hành, tăng 12% sản lượng khai thác và tăng mức độ an toàn lao động. Hơn 10 thành phố trên thế giới cũng đã ứng dụng giải pháp mạng riêng 5G của Huawei cho hệ thống tàu metro.
Ông Tenny Sum khẳng định: “Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng ngay và mở rộng các mô hình thành công từ quốc tế với sự hỗ trợ kỹ thuật và giải pháp toàn diện từ Huawei”. Huawei Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nhà mạng để cùng nhau tạo ra các giá trị mới từ doanh thu mảng B2B, tối ưu hoá sử dụng hạ tầng sẵn có và mở rộng hệ sinh thái dịch vụ công nghệ khác biệt. Đồng thời, Huawei đề xuất mô hình triển khai trọn gói từ thiết bị đầu cuối (CPE), hạ tầng mạng (AAU, MEC), đến phần mềm và ứng dụng (camera AI, IoT, ERP…), cùng với đó là các mô hình dịch vụ linh hoạt, phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ.