Nhịp sống số

Android và những nỗi thất bại ê chề trong năm qua

Không chỉ Apple, các sản phẩm đến từ thế giới Android cũng gặp phải rất nhiều biến động trong năm qua.

Galaxy Note 7 “chết yểu”

Cái tên Galaxy Note 7 chắc hẳn vẫn còn ám ảnh với đông đảo người dùng trên khắp thế giới. Sản phẩm này bị buộc phải “khai tử” vì lí do cháy nổ. Mặc dù đã được Samsung thu hồi và phát hành trở lại nhưng lỗi nghiêm trọng này vẫn tiếp tục xảy ra. 

Không chỉ làm mất niềm tin người dùng, Samsung phải chịu thiệt hại hàng tỷ USD cho những chi phí phát sinh khi thu hồi sản phẩm này. Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân cháy nổ bắt nguồn từ thiết kế của viên pin. Lí do chính thức đến từ Samsung vẫn chưa được công bố.

Sony dậm chân tại chỗ

Sony vốn được xem là công ty di động hiếm hoi trên thị trường tạo nên các mẫu máy khác biệt về kiểu dáng thiết kế, lẫn các tính năng, độ hoàn thiện cao. 

Nhưng trong năm qua, các sản phẩm của hãng vẫn “nhai đi nhai lại” kiểu dáng thiết kế truyền thống (omnibalance/monolithic) của các dòng máy cũ. Tuy vẫn đẹp, nhưng có vẻ như người dùng đã bắt đầu ngao ngán và muốn một điều gì đó mới mẻ, đột phá hơn. Khi các đối thủ hàng đầu hiện nay như Samsung, Xiaomi đã tiến khá xa đến các sản phẩm màn hình cong, thiết kế không viền mang đến trải nghiệm khác biệt. 

LG G5 và cái kết đã được báo trước

LG táo bạo tung ra G5 với khả năng lắp ghép các module tháo rời, mang đến một hơi thở mới lạ cho thị trường di động Android, đón đầu dự án điện thoại lắp ghép Ara của Google. Nhưng do có quá nhiều vấn đề bất cập đến từ LG G5, chẳng hạn giá thành của các module vẫn còn khá cao, mức độ hoàn thiện chưa đạt chuẩn và gặp phải nhiều vấn đề như lỗi GPS, module Cam Plus không hoạt động trơn tru, phím nguồn bị hỏng, thời lượng pin theo đó cũng giảm sút trầm trọng. Thậm chí có người dùng phải mang máy đi bảo hành đến 6 lần.

Những điều trên đã vô tình giết chết một sản phẩm di động rất có tiềm năng trong tương lai. Năm tới đây, LG rất nhiều khả năng sẽ loại bỏ tính năng lắp ghép module này ra khỏi mẫu flagship thế hệ mới.

Hệ sinh thái thiết bị đeo thông minh

Những tưởng 2016 là năm dành cho các thiết bị đeo thông minh (smartwatch), nhưng có lẽ chúng ta đã lầm. Tuy thị trường smartwatch năm qua có rất nhiều sản phẩm đa dạng về tính năng lẫn kiểu dáng thiết kế. Nhưng vẫn chưa mang đến cho người dùng một cảm giác rằng đây là một sản phẩm “không thể thiếu” trong đời sống hằng ngày.

Hy vọng trong năm tới đây, smartwatch sẽ có nhiều điều thú vị hơn để lôi cuốn người tiêu dùng. Để đến khi không cần phải rút smartphone ra, họ vẫn có thể thao tác trên chiếc đồng hồ của họ một cách trơn tru, mượt mà mà vẫn đảm bảo một thời lượng pin xuất chúng..

 

Sai lầm khi khẳng định iPhone ổn định hơn smartphone Android!

(Techz.vn) iPhone ổn định hơn điện thoại Android, đó là một quan niệm sai lầm của rất nhiều người dùng trên toàn thế giới.