39 năm ngày người Việt Nam đầu tiên vào vũ trụ và những bí mật chưa được tiết lộ
Việt Nam là nước thứ 8 bay vào vũ trụ
39 năm trước, vào lúc 21h30 phút ngày 23/7/1980, tàu Liên hợp 37 (Soyuz 37) đã được phóng lên vũ trụ thành công mang theo hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatco. Tàu có nhiệm vụ ghép nối với tổ hợp Chào mừng 6 – Liên hợp 36 (Salyut 6-Soyuz 36) và thực hiện những nghiên cứu khoa học tại đây.
Chuyến bay này giúp Việt Nam trở thành nước thứ 8 trên thế giới và là người đầu tiên của châu Á đưa được người vào vũ trụ. 8 ngày trên vũ trụ, hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân và Gorbatco đã bay 142 vòng quanh quỹ đạo Trái đất. Thực hiện hơn 30 cuộc thí nghiệm viễn thám hàng không, đo và xây dựng bản đồ độ ẩm đất vùng sông Hồng, chuẩn bị xây dựng Trạm mặt đất Hoa Sen phục vụ thông tin liên lạc qua hệ Intersputnik.
Trong tình trạng không trọng lượng, hai nhà du hành vũ trụ cũng đã tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất, các thí nghiệm cây trồng trên bèo hoa dâu… Ngoài ra, nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân còn tiến hành chụp ảnh Việt Nam từ quỹ đạo Trái đất.
Hai nhà vũ hành trở về Trái đất lúc 18h15 ngày 31/7/1980. Chuyến bay trở thành sự kiện lịch sử trong đời sống nhân dân hai nước, mang nhiều ý nghĩa chính trị, khoa học, kinh tế quan trọng.
Những bí mật chưa từng được kể
1. Anh hùng Phạm Tuân vốn xuất phát là thợ máy được sang Nga học tập, do một số học viên Việt Nam không theo nổi chương trình phi công hoặc sức khỏe kém nên bắt đầu bị sàng lọc. Phạm Tuân may mắn được chọn lựa từ học viên thợ máy lên làm phi công. Chính Phạm Tuân cũng chia sẻ: “Người ta trượt phi công xuống làm thợ máy, còn tôi “trượt” thợ máy lên làm phi công”.
2. Anh hùng Phạm Tuân là người Việt Nam đầu tiên bắn rơi B52. Ngày 27/12/1972 Phạm Tuân xuất phát từ sân bay ở Yên Bái, ông đã bắn rơi một chiếc B52 trên vùng trời phía tây Hà Nội bằng 2 quả tên lửa không đối không NHK-8-9-1-2, rồi trở về hạ cánh xuống sân bay Yên Bái. Sau thành tích này ông được đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen ngợi và được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ngày 3/9/1972.
3. Phạm Tuân chỉ mất một năm 3 tháng để hoàn thành khóa huấn luyện phi công bay vào vũ trụ bởi trước đó ông là phi công lái máy bay quân sự chiến đấu.
4. Phạm Tuân bị bong tróc da mặt và mất ngủ khi ở trên vũ trụ. Theo đó, khi tàu được phóng, người ông bị mất sức hút của trái đất nên máu không lưu thông bình thường mà đưa lên đầu nhiều hơn xuống chân. Khi đó, mặt Phạm Tuân bị sưng phồng vì máu dồn lên đầu quá nhiều. Vài ngày sau, khuôn mặt bị ép xuống nên bị bóc một lớp da. Ông mất ngủ mấy ngày liền, đầu óc lúc nào cũng trong tình trạng căng thẳng.
5. Người ban đầu được chọn lên vũ trụ là phi công Nguyễn Văn Cốc, nhưng Cốc về sau bị loại vì không vượt qua bài kiểm tra thể lực. Cùng được chọn với Phạm Tuân còn có phi công dự phòng Bùi Thanh Liêm, người dự bị cho Phạm Tuân nếu ông không thể bay.
Viettel “bắt tay” với Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ
(Techz.vn) Nhằm đào tạo nguồn lực trong lĩnh vực hàng không, Viettel đã phối hợp cùng với trường Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập Viện Công Nghệ Hàng không Vũ trụ. Đây là trường đào tạo về lĩnh vực Hàng không vũ trụ đầu tiên tại Việt Nam.