Ông Putin đặt ra hàng loạt yêu cầu cứng rắn về đề xuất ngừng bắn 30 ngày tại Ukraine
Sau đề xuất ngừng bắn tại Ukraine của Mỹ, ông Putin đã lên tiếng và đưa ra hàng loạt yêu cầu cứng rắn.
Ngày 13/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đặt dấu hỏi về đề xuất ngừng bắn trong cuộc chiến Ukraine do Mỹ làm trung gian, đồng thời đưa ra các điều kiện khắt khe và yêu cầu nhượng bộ từ Kiev, dù đã tuyên bố ủng hộ đề xuất này trên nguyên tắc.
"Chúng tôi đồng ý với đề xuất ngừng bắn, nhưng cần phải xem xét rằng lệnh ngừng bắn này phải hướng tới một nền hòa bình lâu dài và giải quyết tận gốc rễ cuộc khủng hoảng", ông Putin phát biểu trong một cuộc họp báo, nhấn mạnh lại lập trường của Điện Kremlin rằng chính phủ Ukraine hiện tại là một phần nguyên nhân sâu xa của xung đột.

Nga lần đầu can thiệp vào Ukraine năm 2014 và mở cuộc tấn công toàn diện vào năm 2022. Khi đó, ông Putin yêu cầu Ukraine không bao giờ được gia nhập NATO và liên minh này phải rút bớt sự hiện diện quân sự khỏi Đông và Trung Âu – điều mà Mỹ cùng các đồng minh bác bỏ, đồng thời lên án chiến dịch quân sự của Moscow là một cuộc chiếm đất trắng trợn.
Nhà lãnh đạo Nga cũng đề xuất Ukraine ngừng huy động quân và dừng mọi hoạt động huấn luyện binh sĩ, đồng thời yêu cầu các quốc gia khác chấm dứt viện trợ vũ khí cho Kiev trong thời gian ngừng bắn – vào thời điểm mà, theo ông, "quân đội Nga đang tiến công trên hầu hết các mặt trận".
Dù đánh giá ý tưởng của Mỹ là "tuyệt vời và đúng đắn", ông Putin cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cần thảo luận. Ông cũng nói thêm rằng "có thể" sẽ gọi điện cho Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cuộc họp báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin diễn ra trong bối cảnh đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff có mặt tại Moscow để thông báo cho giới chức Điện Kremlin về kế hoạch hòa bình. Trước đó, giới chức Ukraine đã chấp nhận đề xuất ngừng bắn 30 ngày trên toàn tuyến mặt trận sau cuộc hội đàm với các đối tác Mỹ tại Ả Rập Xê Út hồi đầu tuần.
Phản ứng của ông Putin nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích từ Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cáo buộc nhà lãnh đạo Nga cố tình kéo dài đàm phán thay vì thẳng thừng bác bỏ thỏa thuận.
"Ông Putin, dĩ nhiên, sợ phải nói thẳng với Tổng thống Trump rằng ông ta muốn tiếp tục cuộc chiến này, rằng ông ta muốn giết hại người Ukraine", ông Zelensky tuyên bố, đồng thời chỉ trích phản ứng của Tổng thống Putin là "hết sức thao túng".
Vài giờ sau, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi phản hồi của Putin là "đầy hứa hẹn" nhưng chưa đủ rõ ràng.
"Tôi rất muốn gặp hoặc nói chuyện với ông ấy, nhưng chúng ta cần kết thúc chuyện này thật nhanh. Mỗi ngày trôi qua, nhiều người lại thiệt mạng", ông Trump phát biểu tại Phòng Bầu dục, đồng thời cảnh báo rằng nếu Nga không đồng ý ngừng bắn, đây sẽ là "một khoảnh khắc vô cùng đáng thất vọng đối với thế giới".
Ông Trump cũng tiết lộ rằng Mỹ đã thảo luận với Ukraine về các khu vực lãnh thổ có thể giữ lại hoặc mất đi trong một thỏa thuận cuối cùng. "Rất nhiều chi tiết của thỏa thuận đã được bàn đến", ông nói.
Giới chức Nga cứng rắn hơn với đề xuất ngừng bắn
Tổng thống Vladimir Putin đã nêu ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến đề xuất ngừng bắn, phản ánh quan điểm của nhiều quan chức Nga, một số thậm chí có lập trường cứng rắn hơn.
Những lo ngại mà ông Putin đưa ra bao gồm số phận của vùng Kursk của Nga, nơi Ukraine vẫn kiểm soát một số khu vực; cách thức giám sát lệnh ngừng bắn; và việc phía Ukraine có thể tận dụng 30 ngày đình chiến như thế nào.

Trước đó, hôm 13/4, trợ lý Điện Kremlin - ông Yuriy Ushakov tuyên bố Moscow không muốn một lệnh ngừng bắn tạm thời, cho rằng điều này sẽ tạo điều kiện để quân đội Ukraine củng cố lực lượng. Ông Ushakov cho biết đã giải thích lập trường của Nga với Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Michael Waltz trong một cuộc điện đàm hôm 12/3.
"Tôi đã nêu rõ quan điểm rằng đây chẳng qua chỉ là một khoảng thời gian nghỉ ngơi cho quân đội Ukraine, không hơn không kém", ông Ushakov phát biểu trên truyền thông nhà nước Nga, thể hiện sự hoài nghi về đề xuất ngay trước thềm cuộc đàm phán hôm 13/3.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov sau đó nhanh chóng làm rõ rằng phát biểu của ông Ushakov không đồng nghĩa với việc Nga bác bỏ đề xuất của Mỹ. Ông nhấn mạnh Moscow vẫn đang chờ thêm thông tin trước khi đưa ra quyết định chính thức.
Theo CNN