Đại diện Google khẳng định bảo mật và quyền riêng tư của người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu.
Trong ngành công nghệ, việc theo dõi vị trí không phải là điều quá mới mẻ. Nhiều ứng dụng và dịch vụ yêu cầu quyền truy cập vào dữ liệu vị trí của người dùng để cung cấp những trải nghiệm tốt hơn. Tuy nhiên, người dùng lại quan ngại và lo lắng khi bị lộ vị trí dù đã thực hiện những biện pháp ngăn chặn.
Mới đây, nhóm nghiên cứu Cybernews đã thực hiện thử nghiệm trên một chiếc điện thoại Google Pixel 9 Pro XL mới hoàn toàn. Họ sử dụng một tài khoản Google mới và để mặc định các thiết lập, tương tự như những gì mà hầu hết người dùng đều làm khi cài đặt thiết bị mới.
Kết quả cho thấy, cứ sau 15 phút, điện thoại lại gửi dữ liệu vị trí, email, số điện thoại, trạng thái mạng và một số dữ liệu khác về Google. Dữ liệu này được chuyển đến nhiều hệ thống khác nhau của công ty, bao gồm Device Management (quản lý thiết bị), Policy Enforcement (thực thi chính sách) và Face Grouping (phân nhóm khuôn mặt trên Google Photos). Tuy nhiên, ngay khi GPS đã bị tắt, điện thoại vẫn theo dõi vị trí của người dùng. Khi đó, thiết bị sẽ sử dụng các mạng WiFi gần đó để ước lượng vị trí thay vì dựa vào tín hiệu GPS.
Trước vấn đề này, đại diện Google khẳng định bảo mật và quyền riêng tư của người dùng luôn là ưu tiên hàng đầu đối với các thiết bị Pixel. Theo Google, người dùng hoàn toàn có thể kiểm soát việc chia sẻ dữ liệu, quyền của ứng dụng và các cài đặt bảo mật trong quá trình thiết lập thiết bị.
Bên cạnh đó, Google cũng nhấn mạnh rằng việc truyền dữ liệu là cần thiết để cung cấp các dịch vụ hợp pháp, bao gồm cập nhật phần mềm, kích hoạt tính năng và cung cấp trải nghiệm được cá nhân hóa. Công ty cho rằng báo cáo của Cybernews đã thiếu một số ngữ cảnh quan trọng và không phản ánh đầy đủ cách thức hoạt động của việc thu thập dữ liệu.