Thời gian qua, Việt Nam đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh, thành phố.
Thông tin một số người dùng tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Hạ Long... chia sẻ bất ngờ thấy thiết bị kết nối mạng 5G đã gây xôn xao trên mạng xã hội vừa qua. Từ năm 2020, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã thử nghiệm 5G ở 55 tỉnh, thành phố.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình vừa ký Quyết định số 1132/QĐ-TTg ngày 9/10/2024 phê duyệt Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Chiến lược đặt ra mục tiêu đến 2025 phổ cập cáp quang đến các hộ gia đình; 100% các tỉnh, thành phố, các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp, nhà ga/cảng biển/sân bay quốc tế có dịch vụ di động 5G.
Mục tiêu đến năm 2030, 100% người sử dụng có khả năng truy nhập cáp quang với tốc độ 1Gb/s trở lên; Mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số; Xây dựng, bảo đảm năng lực, sẵn sàng triển khai thử nghiệm mạng di động 6G.
Với mạng di động 5G, chiến lược đặt ra nhiệm vụ tập trung mở rộng vùng phủ sóng và chất lượng dịch vụ. Trong đó tập trung ở khu vực hành chính công; khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, khu du lịch trọng điểm; cơ sở y tế các trường cao đẳng, đại học… Việc phát triển mạng di động 5G và các thế hệ tiếp theo nhằm chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm triển khai các công nghệ mới trong quá trình phát triển hạ tầng số như mạng di động 6G, Open RAN, mô hình dữ liệu mở…
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết 2024 sẽ là năm thương mại hóa 5G. Theo quy hoạch hạ tầng viễn thông, Việt Nam đặt mục tiêu vào năm 2025, mạng 5G sẽ có tốc độ tối thiểu 100Mbps. Đến năm 2030, sóng 5G sẽ phủ đến 99% dân số.