Choáng váng trước số website giả mạo cơ quan, tổ chức: Người dùng cần phải tỉnh táo
Thời gian qua, các vụ lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng Việt Nam có xu hướng gia tăng.
Theo nhận định của Cục An toàn thông tin, các đối tượng sử dụng những website giả mạo cơ quan, tổ chức để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức bị giả mạo. Mục tiêu hướng đến của các đối tượng lừa đảo là lừa đảo người dân thông qua giả mạo các website của cơ quan chức năng, các tổ chức tài chính, ngân hàng, các sàn thương mại điện tử, các công ty lớn...
Lừa đảo trên không gian mạng vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Chỉ trong tháng 9, NCSC đã ghi nhận nhận 125.338 địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức, tăng hơn 100 địa chỉ so với tháng 8 trước đó.
Trong tháng 9/2024, hệ thống của NCSC đã phát hiện 31 website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo được phát tán trên không gian mạng, trong đó các thương hiệu bị giả mạo thuộc hầu hết các lĩnh vực như: sàn thương mại điện tử, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngân hàng, các đơn vị chuyển phát…
Bên cạnh đó, hệ thống giám sát kỹ thuật của NCSC đã ghi nhận có 45.691 điểm yếu, lỗ hổng an toàn thông tin tại các máy chủ, máy trạm, hệ thống thông tin của các cơ quan tổ chức nhà nước và hơn 1.600 lỗ hổng trên 5.000 hệ thống đang mở công khai trên Internet.
Trung tâm NCSC cũng đã ghi nhận 12 lỗ hổng mới được công bố, có mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng/cao có thể bị lợi dụng để tấn công, khai thác vào các hệ thống của các cơ quan, tổ chức.
Trước tình trạng gia tăng các website giả mạo được các đối tượng xấu liên tục thiết lập để lừa đảo người dùng Internet Việt Nam, Cục An toàn thông tin khuyến nghị các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động rà quét để phát hiện sớm các website lừa đảo giả mạo tổ chức của mình. Từ đó, nhanh chóng có cảnh báo đến người dùng dịch vụ của đơn vị mình, kịp thời ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng và bảo vệ chính thương hiệu của tổ chức.
Với người dùng, để phòng tránh bị lừa truy cập vào các website giả mạo, các chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh việc cần nắm được những dấu hiệu nhận biết website không an toàn, người dùng cũng cần áp dụng một số biện pháp, cụ thể như: Sử dụng trình duyệt an toàn; Kiểm tra kết nối an toàn; Cẩn thận với email và liên kết, tránh bấm vào liên kết trong email không xác định hoặc không mong muốn; Sử dụng các phương pháp xác thực bổ sung...
Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo, người dùng cần tỉnh táo trước các lời mời chào qua điện thoại, qua internet để tham gia đầu tư, nhận quà hay chỉnh sửa thông tin cá nhân… Bên cạnh đó, người dùng Internet cũng cần tìm đến các địa chỉ trang web chính thống của các cơ quan, tổ chức thay vì truy cập vào các đường link có sẵn được người lạ gửi tới.