Nhịp sống số

100% người trưởng thành Việt Nam sẽ có chữ ký số vào năm 2025?

100% người trưởng thành Việt Nam sẽ có chữ ký số vào năm 2025?

Chữ ký số cá nhân được coi là “chìa khóa” quan trọng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số.

Hiện nay, các hoạt động giao dịch trực tiếp đang dần chuyển sang dạng điện tử. Do đó nhu cầu sử dụng chữ kí số ngày càng gia tăng nhằm mục đích nhanh chóng, thuận tiện và đảm bảo an toàn, xác thực trên môi trường mạng. Chữ ký số cá nhân được coi là “chìa khóa” quan trọng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số và là một trong những tài sản số quan trọng nhất, một mắt xích không thể thiếu để hình thành những công dân số. 

Ngày 22/10, Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập và phát triển (2014 - 2024). Tại sự kiện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chữ ký số được coi là hạ tầng và là một tiện ích số quan trọng để chuyển đổi số quốc gia, được xác định trong khung phát triển của hạ tầng số Việt Nam mà Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành.

Theo thống kê của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, đến nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép cho 25 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng, trong đó có 10 doanh nghiệp cung cấp giải pháp ký số từ xa.

Chữ ký số cá nhân là chữ ký điện tử có giá trị tương đương với chữ ký tay của mỗi cá nhân

Tính đến tháng 7/2024, các CA công cộng đã cấp hơn 10,1 triệu chứng thư số cho người dân và doanh nghiệp, tăng hơn 1,5 triệu so với cuối năm 2023.

Theo thống kê, qua 10 năm, từ 9 CA công cộng, đến nay thị trường đã có sự góp mặt của 25 CA công cộng; từ 307.000 chứng thư số được cấp năm 2014, đến năm 2024 là hơn 11,5 triệu chứng thư số; tốc độ thu phí và nộp ngân sách nhà nước tăng đều 12% qua các năm. Cùng với đó, nhân sự NEAC từ chưa đến 10 người thời điểm năm 2014, đến nay đã là 52 viên chức, người lao động.

Chữ ký số cá nhân được coi là chìa khóa quan trọng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số

 

Chữ ký số có giá trị tương đương chữ ký tay trực tiếp, có các thuộc tính định danh, xác thực đúng nguồn gốc, đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được và chống chối bỏ. Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia xác định, việc tích hợp chữ ký số công cộng vào dịch vụ công là một nhiệm vụ trọng yếu nhằm phát triển dịch vụ, tiến tới thúc đẩy hình thành công dân số.