Đời sống

Hội chứng 'trái tim tan vỡ' khi thất tình: Hé lộ sự thật từng bị nhiều người xem nhẹ

Hội chứng 'trái tim tan vỡ' khi thất tình: Hé lộ sự thật từng bị nhiều người xem nhẹ

Căng thẳng tâm lý ngày nay đã trở thành một vấn đề xã hội đáng lo ngại. Hội chứng 'trái tim tan vỡ' (còn gọi là Hội chứng Takotsubo) là một ví dụ điển hình.

Những cảm xúc tiêu cực quá độ có thể gây tổn thương đến cả một trái tim khỏe mạnh. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn tiềm ẩn những nguy cơ liên quan đến vấn đề tim mạch. Do đó, việc nhận biết và điều trị kịp thời hội chứng này là vô cùng quan trọng.

Takotsubo trong tiếng Nhật có nghĩa là "cái bình bắt bạch tuộc", ám chỉ hội chứng trái tim tan vỡ. Hội chứng này được những bác sĩ người Nhật phát hiện ra đầu những năm 1990 trên những người có trái tim hoàn toàn khỏe mạnh nhưng bị căng thẳng về vấn đề tâm lý. 

Vì sao lại xuất hiện hội chứng "trái tim tan vỡ"?

Bệnh nhân mắc hội chứng Takotsubo thường trải qua căng thẳng tâm lý nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng một phần trái tim tạm thời giãn rộng và yếu đi, giống như một quả bóng bị thổi căng. Điều này khiến h có các triệu chứng tương tự nhồi máu cơ tim nhưng không có sự tắc nghẽn động mạch vành.

Hội chứng "trái tim tan vỡ" thường xảy ra với phụ nữ từ 55 - 75 tuổi. Căng thẳng tâm lý, như mất đi những người thân yêu, chia tay người yêu, hoặc những thay đổi lớn trong cuộc sống, thường là nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, bất kỳ sự kiện nào gây ra cảm xúc mạnh mẽ, dù tích cực hay tiêu cực, đều có thể kích hoạt hội chứng này. Các thống kê từ Nhật Bản cho thấy 7% bệnh nhân tử vong ngoại viện không rõ nguyên nhân là do hội chứng "trái tim tan vỡ".

Ảnh minh hoạ

Hội chứng "trái tim tan vỡ" và bệnh nhồi máu cơ tim có một số điểm tương đồng khiến nhiều người nhầm lẫn. Tuy nhiên, điểm khác biệt chính là: hội chứng "trái tim tan vỡ" không gây tổn thương cơ tim, không có tắc nghẽn động mạch vành. Chụp buồng tim hoặc siêu âm tim thấy hình ảnh mỏm thất phải giãn rộng như quả bóng, di động bất thường. 

Trong giai đoạn đầu, hội chứng "trái tim tan vỡ" thường được điều trị theo phác đồ của nhồi máu cơ tim để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Khi đã xác định rõ bệnh, các loại thuốc như ức chế men chuyển, ức chế thụ thể, chẹn bêta và lợi tiểu sẽ được chỉ định để làm giảm gánh nặng cho tim và phòng ngừa các cơn đau tim tiếp theo.

Rèn luyện sức khoẻ cũng là cách giúp trái tim khoẻ hơn

Để phòng tránh hội chứng “trái tim tan vỡ” cần kết hợp đồng thời giữa việc xây dựng lối sống lành mạnh với học cách kiểm soát cảm xúc. Bên cạnh việc chăm sóc cơ thể bằng chế độ ăn uống và tập luyện khoa học, hãy dành thời gian chia sẻ, kết nối với những người yêu thương. Khi cần thiết, hãy tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia để vượt qua giai đoạn khó khăn. Một tâm hồn tươi đẹp sẽ giúp bạn đối mặt tốt hơn với những căng thẳng trong cuộc sống và bảo vệ trái tim khỏi những tổn thương không đáng có.