Hé lộ công thức tính thuế đối ứng của ông Donald Trump, các quốc gia khác sẽ phải đối mặt với điều gì?
Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng căng thẳng, việc áp thuế đối ứng trở thành công cụ quan trọng để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Thuế đối ứng là gì?
Mới đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố bảng thuế nhập khẩu đối ứng áp dụng cho hàng loạt quốc gia, trong đó Việt Nam thuộc nhóm có mức thuế cao nhất. Điều này làm dấy lên nhiều tranh luận về nguyên nhân và hệ quả của chính sách mới này.
Thuế đối ứng là một loại thuế nhập khẩu được áp dụng nhằm phản ánh mức thuế hoặc các chính sách hạn chế thương mại mà một quốc gia áp dụng lên hàng hóa Mỹ. Mục đích của thuế này không chỉ là để bảo vệ ngành sản xuất trong nước mà còn nhằm tạo sự công bằng trong trao đổi thương mại quốc tế. Nói cách khác, nếu một quốc gia áp thuế cao lên hàng hóa Mỹ, Mỹ sẽ đáp trả bằng một mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia đó.
Lấy ví dụ về thuế đối ứng: Giả sử Mỹ xuất khẩu ô tô sang Trung Quốc, và Trung Quốc đánh thuế nhập khẩu 25% lên ô tô Mỹ. Để "đáp trả", Mỹ quyết định áp thuế đối ứng bằng cách cũng đánh thuế 25% lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc, ví dụ như điện thoại thông minh. Như vậy, nếu Trung Quốc làm khó ô tô Mỹ, thì Mỹ cũng làm khó điện thoại Trung Quốc để bảo vệ lợi ích của mình.

Ông Trump đánh thuế đối ứng các nước dựa trên công thức nào?
Phương pháp tính thuế đối ứng
Giả sử Mỹ áp dụng mức thuế suất τᵢ đối với nước i, và Δτᵢ phản ánh mức thay đổi thuế quan. Gọi ε < 0 là độ co giãn của nhập khẩu theo giá nhập khẩu, φ > 0 là mức độ chuyển tiếp từ thuế quan sang giá nhập khẩu, mᵢ > 0 là tổng nhập khẩu từ nước i, và xᵢ > 0 là tổng xuất khẩu. Khi đó, mức giảm nhập khẩu do thay đổi thuế quan là ∆τ_i*ε*φ*m_i<0.
Giả định rằng ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái và cân bằng tổng thể là không đáng kể, mức thuế đối ứng có thể được xác định bằng cách giải phương trình đảm bảo cán cân thương mại song phương bằng 0. Công thức tính mức thay đổi thuế quan như sau:

Căn cứ tính thuế đối ứng
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ cho biết đã sử dụng dữ liệu nhập khẩu và xuất khẩu từ Cục Điều tra Dân số Mỹ năm 2024 để tính thuế đối ứng. Các tham số ε và φ được lựa chọn dựa trên nghiên cứu trước đó.
Độ co giãn của cầu nhập khẩu, ε, được đặt là 4. Bằng chứng gần đây cho thấy giá trị này dao động quanh mức 2 trong dài hạn. Một số nghiên cứu khác cho rằng ε có thể cao hơn, từ 3-4.
Độ co giãn giá nhập khẩu theo thuế quan, φ, là 0,25.
Các dữ liệu gần đây về thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc cho thấy mức chuyển tiếp thuế quan vào giá bán lẻ khá thấp.

Các nước sẽ chịu mức thuế bao nhiêu?
Theo công bố mới nhất, mức thuế nhập khẩu vào Mỹ sẽ bắt đầu từ 10% và sau đó tăng dần tùy thuộc vào từng đối tác thương mại.
Cụ thể: Các nước như Anh, Brazil, Singapore chịu mức thuế 10%. Các nền kinh tế lớn như EU, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ đối mặt mức thuế từ 20-26%. Trung Quốc bị áp thuế 34%. Việt Nam chịu thuế 46%, thuộc nhóm cao nhất cùng với Campuchia, Lào và Madagascar (47-49%).
Chính quyền Mỹ cho biết, biện pháp này sẽ giúp nước Mỹ thu về khoảng 6.000 tỷ USD, đồng thời điều chỉnh lại cán cân thương mại song phương với nhiều quốc gia.
Phương pháp tính thuế đối ứng của Mỹ dựa trên mức thuế cần thiết để cân bằng thâm hụt thương mại song phương. Công thức tính toán giả định rằng tình trạng thâm hụt là kết quả của sự kết hợp giữa thuế quan và phi thuế quan, gây mất cân bằng thương mại.
Mức thay đổi thuế quan (Δτᵢ) được xác định dựa trên độ co giãn của nhập khẩu theo giá, mức chuyển tiếp từ thuế quan sang giá nhập khẩu, tổng nhập khẩu và tổng xuất khẩu của nước bị áp thuế. Mỹ đặt mục tiêu đạt trạng thái cân bằng thương mại với từng đối tác thông qua việc điều chỉnh thuế nhập khẩu một cách linh hoạt.
Biện pháp thuế đối ứng có thể giúp Mỹ giảm nhập khẩu, bảo vệ ngành sản xuất trong nước, nhưng đồng thời cũng gây ảnh hưởng lớn đến thương mại toàn cầu. Nhiều quốc gia có thể phản ứng bằng cách áp thuế trả đũa, làm gia tăng căng thẳng thương mại. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải điều chỉnh chiến lược để thích nghi với môi trường thuế quan mới, trong khi người tiêu dùng có thể phải đối mặt với giá cả hàng hóa tăng cao.