Mặc dù đã sang đầu tháng 4 nhưng Hà Nội vẫn đang trong tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Các chuyên gia lo ngại thời tiết này có thể còn kéo dài.
Trao đổi với Tuổi trẻ, TS Hoàng Dương Tùng – chuyên gia môi trường cho biết thông thường ô nhiễm không khí diễn ra từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, năm nay tình trạng ô nhiễm tiếp tục kéo dài, chủ yếu do lượng mưa thấp và điều kiện khí tượng không thuận lợi cho việc khuếch tán các chất gây ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn PM2.5.
“Nguồn thải chưa kiểm soát tốt, trong khi điều kiện khí hậu không thuận lợi khiến bụi mịn PM2.5 tích tụ nhiều hơn. Mỗi trận mưa dông có thể làm giảm ô nhiễm, nhưng do hiện tại trời ít mưa nên nguy cơ ô nhiễm kéo dài đến hết tháng 4 là rất lớn", ông Tùng nhận định.

Ông Tùng cũng cho biết, theo dữ liệu từ các bộ, ngành và địa phương trong những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm không khí không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng - một dấu hiệu đáng lo ngại cho sức khỏe cộng đồng và chất lượng sống đô thị.
Theo kết quả quan trắc sáng 11/4 của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, chất lượng không khí tại nhiều khu vực ở mức trung bình, với chỉ số AQI dao động từ 59 đến 91. Trong đó, một số khu vực có chỉ số cao như: Xã Vân Hà (Đông Anh): AQI 91; Xã An Khánh (Hoài Đức): AQI 87; Phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm): AQI 67; Số 556 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên): AQI 94 - số liệu cao nhất ghi nhận; Đại học Bách khoa Hà Nội: AQI 76; Công viên Nhân Chính (Thanh Xuân): AQI 68

Dù các chỉ số này chưa vượt ngưỡng nguy hiểm, song các chuyên gia vẫn đưa ra khuyến cáo cho nhóm người nhạy cảm như người có bệnh lý nền (tim mạch, hô hấp, hen suyễn...) nên hạn chế ra ngoài, đặc biệt vào thời điểm sáng sớm và chiều tối khi mức độ ô nhiễm cao hơn.