Gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội như Threads và TikTok, trào lưu "Thế hệ cợt nhả" bỗng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi.
Không rõ nguồn gốc từ đâu, nhưng cách nhân viên thuộc Gen Z giao tiếp với khách hàng một cách hài hước, bình dân và có phần "ngáo ngơ" đã khiến xu hướng này lan rộng. Các video ghi lại những câu trả lời như "Giảm giá như này đủ wow chưa?" hay "Giao hàng bay như chim nha mom ơi!" trở thành hiện tượng thu hút hàng triệu lượt xem. Tuy nhiên, sự lan tỏ của xu hướng này đã dấy lên những tranh cãi trái chiều.

Phía ủng hộ cho rằng "thế hệ cợt nhả" là sự thể hiện sự tự do biểu đạt, thoải mái và tính sáng tạo của Gen Z trong môi trường làm việc. Họ lập luận rằng việc thể hiện tính hài hước không đồng nghĩa với việc làm việc thiếu hiệu quả. Hơn nữa, sự gần gũi trong giao tiếp có thể giúp tạo nên môi trường làm việc dễ chịu, khích lệ sự kết nối giữa nhân viên và khách hàng.

Ngược lại, nhóm phản đối cho rằng xu hướng này biểu hiện sự thiếu chuyên nghiệp và tác phong làm việc kém nghiêm túc. Nhiều người thuộc thế hệ trước (Gen X, Gen Y) tỏ ra bất bình, cho rằng kiểu hành xử này có thể gây mất thiện cảm trong các môi trường công sở, đặc biệt là những ngành dịch vụ yêu cầu tính chuyên nghiệp cao.

Bên cạnh những tranh cãi, không ít người lại nhận định rằng việc quy chụp Gen Z là "thế hệ cợt nhả" là chưa hợp lý. Dù xu hướng này có những biểu hiện gây tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận rằng Gen Z là một thế hệ làm việc kém hiệu quả. Trên thực tế, đây có thể là thế hệ dám thể hiện, dám phản biện và có tính sáng tạo cao hơn trong công việc.