Mới đây, một tảng băng được cho là lớn nhất thế giới được phát hiện là đang có dấu hiệu tan ra.
Theo thông tin từ AFP, tảng băng trôi có tên A23a có diện tích gấp đôi vùng Greater London, nặng gần 1.000 tỷ tấn. Nó tách khỏi thềm băng Filchner-Ronne của châu Nam Cực năm 1986 và gần như vẫn nguyên vẹn kể từ khi bắt đầu di chuyển chậm về phía bắc vào năm 2020. Nó đang trôi dạt về phía đảo Nam Georgia ở Nam Đại Tây Dương, làm dấy lên lo ngại rằng nó có thể đâm vào đảo, đe dọa lượng lớn hải cẩu, chim cánh cụt và động vật hoang dã.
Tuy nhiên, hôm 31/1 vừa qua, AFP đã đưa tin một mảnh băng dài khoảng 19 km vừa vỡ ra khỏi A23a. Trước hiện tượng này, Andrew Meijers - Nhà hải dương học vật lý từ Cơ quan Khảo sát châu Nam Cực Anh, người theo dõi tảng băng qua vệ tinh từ năm 2023, cho biết: "Đây rõ ràng là mảnh lớn đầu tiên tách ra từ tảng băng".
Meijers cũng nói thêm rằng các tảng băng trôi chứa đầy vết nứt sâu. Mặc dù A23a đã thu nhỏ theo thời gian và từng mất đi một mảnh nhỏ hơn nhiều nhưng nó vẫn giữ được kết cấu khá tốt. Tuy nhiên, mảnh vỡ mới là dấu hiệu cho thấy những vết nứt bên trong đang bắt đầu vỡ ra.
Các tảng băng khổng lồ khác đã tan rã tương đối nhanh trong vòng vài tuần khi chúng bắt đầu mất đi những mảnh lớn, vẫn rất khó để xác định xem đây có phải là dấu hiệu của một sự thay đổi lớn hơn sắp diễn ra hay không.
"Tôi rất tiếc phải nói rằng không thực sự có nguyên tắc khoa học chính xác nào về cách những thứ này tan rã. Rất khó để nói liệu chúng sẽ tan rã ngay hay giữ được kết cấu trong thời gian dài hơn", Meijers nêu quan điểm.