Có nhiều đồn đoán rằng hình xăm có thể là một trong những yếu tố khiến bạn bị mắc ung thư. Vậy, sự thật là như thế nào?
Để làm rõ mối liên hệ giữa hình xăm và ung thư, nhóm nghiên cứu tại Đại học Lund đã quyết định tiến hành kiểm tra. Christel Nielsen - Nhà nghiên cứu tại Đại học Lund cho biết những người tham gia nghiên cứu đã trả lời một bảng câu hỏi về các yếu tố lối sống để xác định xem họ có xăm mình hay không. Nghiên cứu này đã thực hiện với 11.905 người tham gia. Trong số đó, có 2.938 người mắc bệnh ung thư hạch khi họ đạt ở ngưỡng 20 – 60 tuổi. Có 1.398 người trả lời bảng câu hỏi, trong khi số người tham gia nhóm đối chứng là 4.193.
Trong nhóm người mắc bệnh ung thư hạch, có 21% đã xăm mình (289 người), còn nhóm đối chứng không được chẩn đoán ung thư hạch là 18% người đã xăm (735 người). Ngoài tỉ lệ trên, họ đã liệt kê thêm các yếu tố khác như hút thuốc và tuổi tác, nhóm nghiên cứu nhận ra nguy cơ phát triển ung thư hạch cao hơn 21% ở những người có hình xăm.
"Các kết quả cần được xác minh và tìm hiểu sâu hơn trong các nghiên cứu khác. Những nghiên cứu kiểu này vẫn đang được tiến hành", Christel Nielsen cho biết.
Một giả thuyết mà nhóm nghiên cứu đưa ra là kích thước của hình xăm sẽ ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư hạch. Họ nghĩ rằng người có hình xăm toàn thân có thể có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn với người chỉ xăm một con bướm nhỏ trên vai. Tuy nhiên, diện tích hình xăm trên cơ thể không phải là nguyên nhân quyết định bạn bị ung thư hạch hay không.
"Chúng tôi đã biết khi mực xăm được tiêm vào da, cơ thể sẽ hiểu đây là thứ gì đó lạ không nên có ở đó và hệ thốniễn dịch được kích hoạt. Một phần lớn mực được vận chuyển khỏi da đến các hạch bạch huyết, nơi chúng được giữ lại", Christel Nielsen cho biết.
Nhóm nghiên cứu hiện sẽ tiến hành xem xét liệu có mối liên hệ nào giữa hình xăm và các loại ung thư khác hay không. Họ cũng muốn nghiên cứu sâu hơn về các bệnh viêm nhiễm khác, để xem liệu có mối liên hệ nào với hình xăm hay không.
Điều quan trọng cần lưu ý rằng đây chỉ là một nghiên cứu quan sát. Các nhà nghiên cứu không thiết lập được mối quan hệ nhân quả giữa hình xăm và ung thư. Tới thời điểm này, chưa có trường hợp ung thư nào được khẳng định chắc chắn là do hình xăm.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại mực xăm có thể chứa hydrocarbon thơm đa vòng (PAH) và amin thơm sơ cấp (PAA), cả hai chất này được biết đến là chất gây ung thư. Vì vậy, phải cần làm nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác nhận xem mực xăm có phải là tác nhân gây ung thư hay không.