Đời sống

Nhiều người suýt ‘chầu trời’ vì tích cực chữa bệnh chỉ bằng cách... uống nước

Với niềm hy vọng chữa bệnh theo phương châm “nhanh, gọn, nhẹ”, nhiều người đã tin rằng có thể chữa bệnh chỉ bằng cách uống nước. Kết quả họ bị hôn mê, bất tỉnh phải nhập viện. 

Theo thông tin từ Báo Lao Động, Bệnh viện Bạch Mai những ngày gần đây liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc, khó thở. Nguyên nhân được cho là uống một loại nước được quảng cáo là có thể chữa bệnh. 

Một bệnh nhân có tên viết tắt P.T.M sống tại Hà Nội nhập viện trong tình trạng tay chân bủn rủn, nôn mửa nhiều ngày không dứt. Sau khi chuyển vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc nước kiềm, nhiễm kiềm chuyển hoá, hạ kali. 

Bệnh nhân nhập viện trong tay chân bủn rủn, hôn mê sâu. Ảnh: Lệ Hà

Bệnh nhân kể lại rằng, mình có tiểu sử mắc các bệnh lý liên quan đến dạ dày, tá tràng, đại tràng,… cộng thêm việc được người trong làng “mách” sử dụng một loại nước có khả năng chữa bách bệnh. Chị M đã đến tận nơi để xin về uống với mong muốn chữa khỏi bệnh. 

Chị M cũng kể thêm, phác đồ điều trị được hướng dẫn là hàng ngày uống nước đều đặn, có thể pha thêm một chút muối cho dễ uống và không được ăn gì. Trung bình mỗi ngày uống từ 5 – 6 lít nước, thời gian kéo dài từ 10 -15 ngày. 

Nhiều người truyền bá uống nước có thể chữa bách bệnh. Ảnh minh hoạ

Điều bất ngờ nhất là không phải tốn bất cứ chi phí nào để mua thứ nước đó, uống thoải mái từ máy lọc, nếu có nhu cầu mua thì chủ nhà sẽ bán luôn máy lọc nước cho. Tuy nhiên, chỉ chưa đầy 5 ngày sau, chị M phải đi đứng không vững, người mệt mỏi, hôn mê sâu. 

Trước vấn đề này, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo uống quá nhiều nước bình thường như nước lọc hay nước đun sôi để nguội trong 1 ngày, kể cả người khỏe mạnh đã rất nguy hiểm, xảy ra các biến chứng: phù thũng, phù phổi, pha loãng máu, hạ natri máu, phù não, hôn mê, co giật và tử vong. Đó là chưa kể đến việc sử dụng lượng lớn nước kiềm/ngày.

Uống quá nhiều nước cũng không mang lại hiệu quả cho sức khoẻ. Ảnh minh hoạ

Bác sĩ cho biết thêm, nước bệnh nhân M uống xét nghiệm có độ pH 7,5. Uống quá nhiều nước sẽ làm độ pH của dịch dạ dày bị giảm do pha loãng. Trong khi môi trường dịch axit của dạ dày với pH 1,5 - 3,5 lúc bình thường đóng vai trò bảo vệ cơ thể, tiêu diệt bớt các vi trùng gây bệnh có trong thức ăn, nước uống trước khi chúng đi sâu xuống đường tiêu hóa.

Uống nhiều nước kiềm không chỉ thừa nước mà còn thay đổi pH của máu, gây nhiễm kiềm chuyển hóa. Nếu uống nhiều nước kiềm, pH cơ thể bị tăng lên, rối loạn cảm giác, hôn mê, kali máu bị hạ dẫn tới  loạn nhịp tim, liệt, hoạt động của nhiều enzym bị giảm, thậm chí dẫn đến tử vong.