Lại thêm 1 bài thơ trong SGK lớp 5 gây tranh cãi, cộng đồng mạng có đang ‘tát nước theo mưa'?
Bài thơ 'Tiếng hạt nảy mầm' trong SGK Tiếng việt lớp 5 của tác giả Tô Hà đang nhận về nhiều ý kiến trái chiều.
Cụ thể, một trang web đưa tin về lĩnh vực giáo dục đã đăng tải nội dung bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” (in trong bộ Tiếng Việt lớp 5, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) và cho rằng ngữ liệu này được đưa vào SGK cho học sinh là chưa phù hợp. Bên dưới phần bình luận của bài viết cũng có nhiều ý kiến đồng tình với bài đăng trên.
“Học sinh lớp 5 chưa thể hiểu được những từ ngữ như vụt qua song, ánh ỏi, buông neo,... Thiết nghĩ cần đưa những dữ liệu sinh động và dễ hiểu hơn”, một người bình luận.
Một người khác phân tích và nêu quan điểm: “Thật ra, bài viết đang miêu tả lại hình ảnh của một lớp học khiếm thính. Tuy nhiên, ở lứa tuổi lớp 5 thì có lẽ thật khó để các con có thể cảm nhận và liên tưởng được hình ảnh đó. Theo tôi, việc đưa những chi tiết này cho các em học là quá sức”.
Tuy nhiên, dưới góc độ của người làm chuyên môn, thầy Thái Hạo - chuyên gia lĩnh vực Giáo dục cho rằng, bài thơ này chứa đựng nhiều ảnh hấp dẫn và ý nghĩa.
“Bài thơ thật xúc động, tràn trề hình ảnh và âm thanh. Không gian và nhân vật là một lớp học của các em học sinh khiếm thính, vì thế cô giáo phải "nói" với các em bằng "đôi tay cụp mở.
Và các em nghe được "Sau ngón tay cô đấy/ Là tiếng hạt nảy mầm/ Tiếng lá động trong vườn/ Tiếng sớm mai mẹ gọi”, thầy Thái Hạo chia sẻ.
Không ít số khác cũng bày tỏ sự ủng hộ với thầy Thái Hạo. Nhiều người còn đặt ra câu hỏi phải chăng, người dùng mạng xã hội đang quá dễ dàng bị “dẫn dắt” bởi những bài viết mang tính chất một chiều.
Trao đổi với Techz, cô Nguyễn Thị Thoa - giáo viên Ngữ văn cấp THPT tại Chí Linh (Hải Dương) cho rằng nhiều bạn đọc chưa hiểu hết hàm ý của bài thơ mà đã vội vàng lên tiếng chê bai, chỉ trích tác giả.
"Chúng ta cần nhìn nhận thật khách quan để đưa ra ý kiến. Các hình ảnh trong bài thơ đều có sự ẩn dụ. Chẳng hạn, tác giả sử dụng từ ánh ỏi thay cho óng ả để thể hiện âm thanh vút cao, đặc sắc. Bài thơ còn mang lại ý nghĩa nhân văn vì những học sinh khiếm thính cũng là những hạt mầm. Sự giúp đỡ của giáo viên sẽ thôi thúc những hạt mầm nảy nở, phát triển. Hơn hết, mọi người cũng nên hiểu rằng, mỗi ngữ liệu được đưa vào SGK đều có sự kiểm duyệt nghiêm ngặt đến từ phía hội đồng chuyên môn" - cô Thoa bày tỏ.
Đáng chú ý, đây cũng không phải lần đầu tiên mạng xã hội bùng nổ tranh luận về các tác phẩm được đưa vào SGK. Trước đó, vào năm ngoái, bài thơ “Bắt nạt” của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã gây tranh cãi nảy lửa trên các diễn đàn. Bài thơ này được cho là “thảm họa” khi đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 6. Thời điểm đó, bài thơ "Con chào mào" của tác giả Mai Văn Phấn cũng bị đưa ra "mổ xẻ". Tuy nhiên, sau khi nghe những chuyên gia về Văn học phân tích, nhiều người đã phải "quay xe" suy ngẫm lại nội dung và hiểu kĩ hơn về giá trị của từng tác phẩm.