Thế giới

Ông Putin so sánh tên lửa mới của Nga với thiên thạch

Ông Putin so sánh tên lửa mới của Nga với thiên thạch

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết sức mạnh tấn công của tên lửa đạn đạo Oreshnik hiện đại mới của Nga tương tự vụ va chạm thiên thạch.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở thủ đô Astana của Kazakhstan, ông Vladimir Putin nhấn mạnh Moskva đang sở hữu một số tên lửa có sức mạnh tương tự vụ va chạm thiên thạch và chúng bắt đầu được sản xuất hàng loạt. Nhà lãnh đạo Nga nói: “Sức mạnh của chúng giống như một thiên thạch rơi xuống. Chúng ta đều biết hậu quả nó gây ra là gì, những hồ nào đã được hình thành sau khi thiên thạch rơi”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Một trong những hồ miệng núi lửa va chạm lớn nhất thế giới là Hồ Manicouagan ở Canada có cấu trúc nhiều vòng với đường kính lên tới khoảng 100km. Đường kính vòng trong của nó rơi vào khoảng 70km. Ông Vladimir Putin cũng tuyên bố hệ thống Oreshnik có hàng chục đầu đạn tự dẫn đường, có khả năng bắn trúng mục tiêu trong khi di chuyển nhanh gấp mười lần tốc độ âm thanh.

Tổng thống Nga cho hay: "Bất cứ thứ gì nằm trong trung tâm tấn công đều bị xóa sổ thành hạt nguyên tố, biến thành bụi". Cuộc tấn công lớn bằng những tên lửa như vậy sẽ tương đương với vụ nổ hạt nhân. Hiện tại, quân đội Nga đang lựa chọn mục tiêu cho cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik. Hệ thống này có thể được sử dụng để trả đũa Kiev nếu họ chống lại Nga bằng tên lửa tầm xa và dữ liệu do phương Tây cung cấp.

Tên lửa đạn đạo Oreshnik sức công phá lớn nhất lên đến 900 kiloton.

Những mục tiêu này bao gồm trung tâm ra quyết định của Ukraine cũng như cơ sở quân sự và công nghiệp. Tuần trước, Nga đã triển khai hệ thống tên lửa Oreshnik để tấn công nhà máy vũ khí lớn ở thành phố Dnepropetrovsk của Ukraine hay còn được gọi là Dnepr, như một phần của hoạt động thử nghiệm chiến đấu. Theo ông Vladimir Putin, cuộc tấn công là phản ứng đối với hành động hung hăng của thành viên NATO ủng hộ Kiev.

Mảnh vỡ tên lửa Oreshnik do Ukraine trưng bày.

Quân đội Ukraine gần đây đã tiến hành một số cuộc tấn công vào mục tiêu ở khu vực Bryansk và Kursk của Nga, sử dụng ATACMS do Mỹ sản xuất cũng như tên lửa Storm Shadow/SCALP của Anh - Pháp. Hôm 18/11, Washington xác nhận dỡ bỏ hạn chế về phạm vi sử dụng ATACMS của quân đội Kiev. Paris trước đó cũng xác nhận cho phép Ukraine sử dụng tên lửa SCALP ở tầm bắn tối đa.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh CSTO, nhà lãnh đạo Nga cho biết vũ khí của Moskva vượt trội hơn về nhiều mặt so với tên lửa do phương Tây sản xuất. Nga cũng sản xuất nhiều hơn so với toàn bộ khối NATO.

Theo RT.