Thế giới

Cựu Thủ tướng Đức: Tiềm năng hạt nhân của Nga rất 'đáng sợ'

Cựu Thủ tướng Đức: Tiềm năng hạt nhân của Nga rất 'đáng sợ'

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel cảnh báo những bên liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine phải làm mọi cách để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Nga gần đây đã cập nhật học thuyết hạt nhân và sử dụng tên lửa siêu thanh tầm trung mới tấn công Ukraine để đáp trả việc phương Tây cho phép Kiev sử dụng vũ khí tầm xa do nước ngoài sản xuất tấn công sâu vào bên trong nước Nga.

Cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine ngày càng leo thang căng thẳng.

Bà Angela Merkel giữ chức Thủ tướng Đức từ năm 2005 đến năm 2021 và gần đây đã xuất bản hồi ký của mình. Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình nhà nước Anh BBC, bà đã thừa nhận sức mạnh quân sự của Nga.

Cựu Thủ tướng Đức nói: “Chúng ta không nên bị tê liệt vì sợ hãi, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận Nga là quốc gia lớn nhất hoặc cùng với Mỹ là một trong hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Tiềm năng này thật đáng sợ. Chúng ta phải làm mọi thứ để ngăn chặn việc sử dụng vũ khí hạt nhân”.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bà Angela Merkel khen ngợi Trung Quốc vì đã kêu gọi kiềm chế vấn đề này, sau khi Bộ Ngoại giao Đức tuyên bố tất cả các bên liên quan cần giữ bình tĩnh và cùng nhau tìm cách giảm leo thang thông qua đối thoại. Học thuyết hạt nhân cập nhật của Nga cho phép đáp trả bằng vũ khí hạt nhân đối với những cuộc tấn công thông thường của quốc gia phi hạt nhân được cường quốc hạt nhân hỗ trợ, chẳng hạn như cuộc tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Nga.

Lửa bốc lên sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.

Kiev cũng tiến hành một số cuộc tấn công bằng hệ thống ATACMS và HIMARS do Mỹ sản xuất và tên lửa Storm Shadow do Anh sản xuất trong những ngày gần đây. Đồng thời, Pháp đã bật đèn xanh cho Kiev sử dụng tên lửa hành trình SCALP-EG.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cuộc tấn công đưa cuộc xung đột quân sự ở Ukraine lên tầm toàn cầu. Moskva khẳng định lực lượng Kiev không có khả năng bắn những vũ khí như vậy nếu không có sự hỗ trợ của phương Tây và thông tin về mục tiêu.

Nga đáp trả hành động nới lỏng hoạt động sử dụng vũ khí của phương Tây dành cho Ukraine.

Để đáp trả cuộc tấn công bằng vũ khí của phương Tây, Moskva lập tức nhắm mục tiêu vào cơ sở công nghiệp quân sự ở thành phố Dnepropetrovsk của Ukraine bằng tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Oreshnik mới được công bố, trang bị đầu đạn thông thường.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Oreshnik có thiết kế dựa trên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RS-26 Rubezh với tốc độ bay lên đến 13.000km/h và có tầm tấn công khoảng hơn 5.500km. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết thêm quân đội Nga đang sở hữu số lượng đáng kể tên lửa Oreshnik và tiếp tục thử nghiệm trong điều kiện thực tế.

Theo RT.