Đời sống

Tại sao cơn bão số 6 sắp đổ bộ vào Biển Đông được đặt tên Trà Mi, trùng tên với loài hoa?

Từ rất lâu trên Biển Đông mới xuất hiện cơn bão mang tên tiếng Việt, điều này khiến không ít người đặt ra dấu chấm hỏi.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đã ủy quyền cho Trung tâm Báo bão nhiệt đới Tokyo thuộc Cơ quan khí tượng Nhật Bản đặt tên các cơn bão hình thành trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương. So với thời gian trước, danh sách tên bão ở thời hiện tại khác rất nhiều.

Dự báo đường đi của bão Trà Mi. Ảnh Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Cụ thể, tên bão hầu như không được đặt theo tên riêng mà phải đặt theo tên các loài hoa, loài chim, động vật, cây cỏ và món ăn. Đồng thời, danh sách tên bão phải sắp theo thứ tự chữ cái của tên bão do các nước đề xuất thay vì sắp xếp theo thứ tự bảng chữ cái như trước đây. Đối với những cơn bão gây ra thiệt hại nặng cho nước đặt tên sẽ bị gạch ra khỏi danh sách và thay thế bằng tên mới. Chính vì vậy, danh sách tên bão thường không cố định và luôn có sự điều chỉnh, bổ sung.

Đối với cơn bão có tên quốc tế TRAMI (tên tiếng Việt Trà Mi) sắp đổ bộ vào Biển Đông, nhiều người đã đặt ra thắc mắc vì sao cơn bão này lại mang tên tiếng Việt. Liên quan đến vấn đề này Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã đưa ra lý giải.

Trà Mi là tên của một loài hoa thuộc họ hoa hồng.

Việc đặt tên cơn bão thường phân theo từng khu vực. Trong đó, khu vực tây bắc Thái Bình Dương và Biển Đông (bao gồm các cơn bão đổ bộ vào Việt Nam) phần lớn được đặt tên theo tên địa danh thực vật, động vật hoặc địa danh. Mỗi quốc gia được phép đặt tên 10 cơn bão và chia thành 5 danh sách, sử dụng luân phiên theo năm.

Kể từ năm 2015 đến năm 2023, khu vực Biển Đông có 7 cơn bão đi qua mang tên tiếng Việt, bao gồm: Vàm Cỏ (năm 2015), Sơn Ca (năm 2017), Sơn Tinh (năm 2018), Vàm Cỏ (năm 2020), Côn Sơn (năm 2021), Sơn Ca (năm 2022), Sao La (năm 2023).

Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam đã đề xuất tên cho 10 cơn bão.

Chính vì vậy, cơn bão đang tiến vào Biển Đông mang tên Trà Mi là do có tên trong danh sách đặt tên bão được Việt Nam đề xuất đặt tên trên hệ thống Ủy ban bão và Tổ chức WMO và được chọn theo thứ tự lần lượt từ trên xuống. Trà Mi cũng được Việt Nam lấy từ tên một loài hoa thuộc họ hoa hồng, mang vẻ đẹp kiêu sa, quý phái.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, vào lúc 13 giờ ngày 23/10, vị trí tâm bão đang ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc và 123,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Lu Dông (Philippines). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75 - 88km/h), giật cấp 11. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

Bão Trà Mi gây ra ngập lụt nghiêm trọng tại Philippines.

Trong 24 giờ tới, bão có khả năng đổi hướng Tây Tây Nam, di chuyển với tốc độ 15-20km/h, đi vào Biển Đông. Sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 11. Đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, nằm trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 640km về phía Đông với sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.