Thời tiết khu vực Nam Bộ chuyển xấu, người dân cần đề phòng tình trạng mưa lớn cục bộ và gió giật mạnh
Chuyên gia khuyến cáo người dân ở khu vực Nam Nam bộ cần đề phòng thời tiết diễn biến thất thường, hạn chế ra đường vào thời gian chiều tối.
Theo dữ liệu từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong chiều và tối qua (ngày 12/10), khu vực Nam Bộ xuất hiện mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to. Trong khoảng thời gian từ 13h đến 19h, nhiều nơi ghi nhận lượng mưa trên 50mm như: TP. Tây Ninh (Tây Ninh) 65.6mm, Bến Cát (Bình Dương) 57.0mm, Phú Thành (Đồng Tháp) 61.8mm, Bắc Đông (Tiền Giang) 79.2mm,…
Dự báo đến chiều tối và tối ngày 13/10 ở khu vực Nam Tây Nguyên, Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 10 - 30mm, một số nơi trên 50mm. Bắt đầu từ chiều ngày 14/10, khu vực Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện mưa rào và dông rải rác, cục bộ có nơi mưa to với lượng mưa từ 15 - 30mm, cục bộ có nơi trên 70mm.
Trong mưa dông, người dân cần đề phòng khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh, gây nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, lượng mưa lớn tại một số khu vực trũng thấp có thể gây ra tình trạng ngập úng tại vùng trũng, thấp và lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Riêng tỉnh Lâm Đồng, từ 12 giờ đến 14 giờ ngày 13/10, cơ quan khí tượng ghi nhận nhận nhiều khu vực có mưa vừa đến mưa to như: Bảo Thuận - Di Linh 43.6mm, Đạ MRi1 43.4mm,... Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực thuộc tỉnh trên đã gần bão hòa trên 85% hoặc đạt trạng thái bão hòa.
Trong 03 - 06 giờ tới, khu vực tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20 - 50mm, có nơi trên 70mm. Khoảng 6 giờ tiếp theo, người dân cần đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại tỉnh trên, đặc biệt tại huyện: Di Linh, Đạ Tẻh, TP.Bảo Lộc, Lâm Hà, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Đam Rông.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia lưu ý hiện tượng lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó, cơ quan chức năng tại địa phương cần chủ động rà soát các điểm nghẽn dòng, vị trí xung yếu trên địa bàn để có biện pháp phòng tránh, ứng phó phù hợp, kịp thời.