Cơn bão lớn nhất trong hệ Mặt trời bất ngờ thay đổi hình dạng, Trái đất có thực sự an toàn?
Kính viễn vọng không gian Hubble của NASA đã ghi lại những thay đổi hiếm hoi về hình dạng của cơn bão kéo dài trên Sao Mộc trong suốt 90 ngày qua.
Những quan sát bất ngờ do Hubble thực hiện từ ngày 12/3 đến nay cho thấy cơn bão kéo dài trên Sao Mộc hay còn gọi là Đốm Đỏ Lớn (GRS) đang không ổn định như vẻ bề ngoài. Đốm Đỏ Lớn là một luồng gió lớn trong bầu khí quyển của Sao Mộc quay quanh vùng áp suất cao ở trung tâm, dọc theo vành đai mây vĩ độ trung bình phía nam của hành tinh này. Cơn bão này có kích thước lớn đến mức Trái đất có thể nằm gọn bên trong nó.
Đốm Đỏ Lớn đã tồn tại gần hai thế kỷ và những thay đổi về hình dạng của nó được nhận định liên quan đến quá trình chuyển động cũng như kích thước. Hình ảnh tua nhanh theo thời gian cho thấy dòng xoáy của cơn bão lắc lư như gelatin, tiếp tục giãn nở rồi co lại theo thời gian.
Ông Amy Simon, nhà khoa học hành tinh tại Trung tâm bay không gian Goddard của NASA ở Greenbelt, Maryland cho biết: "Mặc dù chúng tôi biết chuyển động của nó thay đổi đôi chút theo kinh độ, nhưng không ngờ kích thước của nó cũng dao động. Theo như chúng tôi biết, sự thay đổi này chưa được phát hiện bao giờ".
Thời gian gần đây, một nhóm nhà thiên văn học riêng biệt cũng nhìn vào trung tâm của Đốm Đỏ Lớn bằng kính viễn vọng Không gian James Webb để chụp chi tiết mới bằng ánh sáng hồng ngoại. Các quan sát của Hubble được thực hiện bằng ánh sáng khả kiến và cực tím.
Ông Amy Simon nhấn mạnh: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi chụp được tốc độ chuyển động thích hợp của GRS. Với độ phân giải cao của thiết bị do Hubble sử dụng, chúng tôi có thể nói rằng GRS chắc chắn đang tiến vào và ra cùng lúc khi nó di chuyển nhanh hơn và chậm hơn. Điều đó rất bất ngờ".
Nhóm nghiên cứu của ông Amy Simon sử dụng hình ảnh có độ phân giải cao của Hubble để quan sát chi tiết kích thước, hình dạng và sự thay đổi màu sắc của Đốm Đỏ Lớn. Những thay đổi này bao gồm sự sáng ở lõi cơn bão khi Đốm Đỏ Lớn đạt kích thước lớn nhất trong quá trình dao động. Ông Amy Simon nói: “Khi chúng ta quan sát kỹ, chúng ta thấy có rất nhiều thứ đang thay đổi từng ngày”.
Các nhà thiên văn học còn nhận thấy Đốm Đỏ Lớn đang co lại kể từ khi chương trình OPAL bắt đầu cách đây một thập kỷ và dự đoán nó tiếp tục co lại cho đến khi đạt được hình dạng ổn định.
Nghiên cứu được công bố vào ngày 27/9 trên Tạp chí Nghiên cứu Địa vật lý. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện ra khí phosphine trong cơn bão đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra màu đỏ bí ẩn khiến Đốm Đỏ Lớn trở nên mang tính biểu tượng.
Theo CNN.