Việt Nam

VĐV Việt Nam đầu tiên giành HCV Paralympic: Là thợ sửa chữa điện tử, tự phá kỷ lục Thế giới

VĐV Việt Nam đầu tiên giành HCV Paralympic: Là thợ sửa chữa điện tử, tự phá kỷ lục Thế giới

Trong lịch sử Thể thao Việt Nam, chỉ có một VĐV duy nhất từng giành HCV tại Paralympic đó là lực sĩ Lê Văn Công. Thậm chí, huyền thoại của cử tạ người khuyết tật còn đang nắm giữ kỷ lục Thế giới.

 

Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đến Paralympic Paris 2024 với 7 VĐV bao gồm Lê Văn Công, Nguyễn Bình An, Đặng Thị Linh Phượng, Châu Hoàng Tuyết Loan (cử tạ), Đỗ Thanh Hải, Lê Tiến Đạt (bơi) và Phạm Nguyễn Khánh Minh (điền kinh).

Niềm hy vọng giành huy chương của thể thao Việt Nam sẽ được đặt lên vai lực sĩ Lê Văn Công khi anh đang là người nắm giữ kỷ lục Thế giới cũng như là VĐV duy nhất trong lịch sử thể thao nước nhà từng giành HCV ở một kỳ Paralympic.

Lê Văn Công là VĐV xuất sắc nhất trong lịch sử thể thao người khuyết tật Việt Nam.

Lê Văn Công bén duyên với cử tạ vào năm 2005 khi gặp được HLV Nguyễn Hồng Phúc. Ngay trong năm đó, thành quả sau những nỗ lực tập luyện đã đến với VĐV sinh năm 1984 khi anh giành HCB Quốc gia. Đó là bước khởi đầu trên con đường trở thành VĐV xuất sắc nhất trong lịch sử thể thao người khuyết tật Việt Nam.

Đỉnh cao trong sự nghiệp của Lê Văn Công là tấm huy chương Vàng tại Paralympic Rio (Brazil) vào năm 2016, đồng thời lập kỷ lục thế giới với thành tích nâng tạ 183kg. Đến năm 2017, lực sĩ quê Hà Tĩnh tiếp tục phá kỷ lục của chính mình với mức tạ 183,5kg ở Giải vô địch Thế giới và kỷ lục này đến nay vẫn chưa có ai vượt qua.

VĐV sinh năm 1984 từng giành HCV Paralympic và đang giữ kỷ lục Thế giới.

Lê Văn Công còn giành được tấm huy chương Bạc ở Paralympic Tokyo 2020 và lần thứ 2 giành HCV ở giải vô địch Thế giới vào năm 2023. Paralympic 2024 là lần thứ 3 liên tiếp Lê Văn Công tham dự Thế vận hội cho người khuyết tật và mục tiêu không gì khác ngoài tấm HCV.

Đáng chú ý, bên cạnh việc tập luyện và thi đấu thì Lê Văn Công vẫn làm công việc sửa điện máy. Huyền thoại của cử tạ người khuyết tật Việt Nam chia sẻ: "VĐV không ai có thể tập luyện và thi đấu mãi. Tôi vẫn tiếp tục làm điện tử ở nhà, chuyên âm thanh. Ngoài ra, tôi góp cổ phần với hai người bạn trồng dưa lưới, chiết xuất làm lon nước uống và đã đưa vào bán tại các siêu thị".

Cảm phục nghị lực phi thường của Lê Văn Công - người phá kỷ lục cử tạ thế giới Người khuyết tật