Đời sống

Từ vụ check file sao kê của MTTQ, ăn bớt tiền từ thiện của tập thể bị xử lý ra sao?

Sau khi MTTQ Việt Nam công bố sao kê tiền ủng hộ người dân bị bão lụt, dân tình dậy sóng khi phát hiện nhiều người giả bill để sống ảo?

Vừa qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công khai toàn bộ số tiền nhận được tính tới thời điểm in sao kê và nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Theo đó trên mạng xã hội không ít những hình ảnh chuyển khoản vài triệu hay tới vài trăm triệu hay cả tỷ đồng để ủng hộ cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Câu chuyện sẽ không có gì đáng nói nếu như ủng hộ bằng chính những đồng tiền của mình dù ít hay nhiều vẫn làm tấm lòng đáng ghi nhận.

Một số nhân vật đã phải lên tiếng xin lỗi sau bị CĐM phản ứng

Thế nhưng khi sự được phơi bày, những chiếc bill chuyển khoản giả, photoshop số tiền khổng lồ để câu like, tương tác trên mạng xã hội khiến không ít người bức xúc. Không chỉ có những cá nhân giả bill chuyển khoản để câu tương tác mà còn có những đại diện cơ quan, đơn vị chuyển khoản số tiền ủng hộ chỉ 2.000 đồng cho tới 10.000 đồng, điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là số tiền thật mà cơ quan, đơn vị đã đóng góp hay không?

Vậy nếu ăn bớt tiền từ thiện của tập thể sẽ bị xử lý ra sao? Điều 5 Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo nghiêm cấm các hành vi:

Cản trở hoặc ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia vận động, đóng góp, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện; Báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện;

Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Như vậy tiền quyên góp từ thiện phải được phân phối cho người dân cần giúp đỡ theo quy định. Tổ chức, cá nhân ăn chặn, chiếm đoạt tiền từ thiện sẽ bị phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự - luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Về phạt hành chính, theo Điều 10 Nghị định 130/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Để hư hỏng, thất thoát tiền, hàng cứu trợ, trừ trường hợp bất khả kháng do thiên tai, hỏa hoạn; Sử dụng, phân phối tiền, hàng cứu trợ không đúng mục đích, không đúng đối tượng; Tráo đổi hàng cứu trợ.

Trường hợp quyên góp tiền của người khác với lý do làm từ thiện nhưng lại không dùng khoản tiền đó cho mục đích từ thiện mà nhằm chiếm đoạt thì theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.

Trường hợp hành vi chiếm đoạt tiền từ thiện có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì đối tượng thực hiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Điều 174 BLHS 2015 quy định, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 174 .

Theo đó, thủ đoạn gian dối trong trường hợp kêu gọi quyên góp từ thiện có thể là đưa ra thông tin giả để làm cho người khác tin và giao tài sản cho người phạm tội. Mức phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí là tù chung thân.