Ngôi làng vinh dự nhất Việt Nam gắn liền với công việc ý nghĩa: 'may cờ Tổ quốc'
Ngôi làng với tuổi đời hơn 80 năm dệt nên một phần linh hồn của dân tộc.
Theo các bậc tiền nhân trong làng, nghề may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân đã bắt đầu có từ những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, đã có hàng ngàn lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong gió, những lá cờ đó đều do người dân làng Từ Vân may.Trải qua gần 80 năm, nghề may cờ Tổ quốc vẫn được các thế hệ người làng Từ Vân giữ gìn và phát triển. Trong thâm tâm người làng Từ Vân, có lẽ nghề may cờ Tổ quốc đã gắn bó máu thịt và họ tự hào khi chính những công sức lao động của dân làng là những lá cờ được xuất hiện ở những nơi trang trọng nhất và các sự kiện lịch sử của đất nước.
Những ngày cuối tháng 8, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9 cũng là lúc những người thợ may cờ của làng nghề Từ Vân, xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội, lại tất bật làm việc để kịp mang lá cờ đến tay người dân khắp cả nước.
Anh Nguyễn Quang Phục, chủ hộ có truyền thống may cờ Tổ quốc lâu đời tại làng Từ Vân cho biết: "Các công đoạn từ cắt vải may cờ với nhiều kích cỡ khác nhau đến công việc in hình ngôi sao, thêu, may… đều được làm tỉ mỉ đem theo nhiều tâm huyết của những người dân trong làng, chúng tôi đang vừa kết hợp kinh nghiệm từ cha ông truyền lại cùng với máy móc công nghệ cao để sản phẩm đạt chất lượng cao nhất, chuẩn xác nhất, vì cái gì có thể sai sót nhưng cờ Tổ quốc là phải chính xác 100%".
Dù máy móc đã được đưa vào sản xuất thế nhưng có những sản phẩm đặc trưng vẫn cần sự tỉ mỉ và khéo léo cùng kinh nghiệm lâu năm của người thợ mới có thể hoàn thành, những lá cờ đỏ sao vàng được thêu tay theo đơn hàng "đặc biệt" sẽ mất tới 3 ngày để hoàn thành, từng đường kim mũi chỉ được thêu tỉ mỉ. Theo anh Phục chia sẻ: "Từ lúc 7,8 tuổi đến nay cũng gắn bó quá nửa đời người với cây kim, sợi chỉ. Cờ thêu này chỉ có vài người lâu năm kinh nghiệm trong làng mới có thể làm được, những bạn trẻ vẫn tiếp tục nối nghiệp gia đình nhưng chưa đủ kĩ thuật để làm những sản phẩm đặc biệt này".