Đời sống

Bão Yagi vừa càn quét, Bão Bebinca và rãnh áp thấp nhiệt đới có ảnh hưởng tới Việt Nam hay không?

Áp thấp nhiệt đới mới hình thành trên biển đông liệu có biến thành cơn bão và ảnh hưởng tới Việt Nam hay không?

Theo Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết hiện nay đã có cơn bão Bebinca đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương và sẽ đổ bộ vào khu vực Đông Trung Quốc, cơn bão này không ảnh hưởng tới địa phận đất liền của Việt Nam.

Thế nhưng trên Biển Đông hiện tại đang tồn tại dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây nam mạnh sẽ gây mưa cho một số địa phương tại Việt Nam. Theo dự báo những khu vực như Tây Nguyên, Nam Bộ đến ngày 16/9 lượng mưa phổ biến 40-80mm và thời gian tập trung mưa vào chiều và đêm.

Cũng theo Bộ TN-MT dự báo thời tiết miền Bắc trong 7 ngày tới chủ yếu mưa ít, ngày nắng gián đoạn. Từ đêm 15 cho tới ngày 17/9 khu vực Bắc Bộ có trọng tâm mưa tại Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng. Dự báo thời tiết, thiên tai trong thời gian tới, Bộ TN-MT cho biết mức nước lũ tại hạ lưu sông Hồng hiện tại vẫn đang ở mức cao và tình trạng ngập lụt vẫn còn ở nhiều địa phương trong những ngày tới. Tại các địa phương nước rút tại các vùng thuộc huyện Chương Mỹ từ 8-10 ngày, ven sông Tích từ 5-7 ngày,...

Tại khu vực hạ lưu sông Hồng - Thái Bình thời gian nước rút kéo dài từ 3-5 ngày, một số vùng có thể có thời gian nước rút lâu hơn. Mặc dù hiện nay mưa đã giảm, nhiều nơi không mưa, nhưng nguy cơ xảy ra sạt lở đất vẫn ở mức cao, đặc biệt trên các sườn dốc ở khu vực miền núi phía Bắc, nhất là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng (thực tế đã xảy ra tại TP Yên Bái và các huyện Yên Bình, Văn Yên, Trấn Yên (Yên Bái) trong các ngày 12 và 13-9).

Nước ta vừa trải qua cơn bão số 3 với tổn thất nặng nề, chính vì vậy Bộ TN-MT đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, địa phương thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ. Khảo sát tình hình ngập lụt và các hiện trường sạt lở, khoanh vùng các khu vực có nguy cơ diễn ra sạt lở và cảnh báo tới người dân, địa phương.

Đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn. Nâng cao cắt giảm lũ cho hạ du khi xảy ra tình huống khẩn cấp. Tuyên truyền cho người dân về kiến thức, hướng dẫn nhận biết nguy cơ dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất, lũ lụt.